Cảnh báo tình trạng trẻ bị vật nuôi tấn công

Vũ Trang| 09/05/2019 09:36

Thời gian gần đây, không chỉ ở một số địa phương trong cả nước mà trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra nhiều trường hợp trẻ em bị vật nuôi tấn công, trong đó có những trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng.

ADQuảng cáo

Chiều 8/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 2 trường hợp trẻ em bị chó cắn phải nhập viện để mổ cấp cứu. Đó là trường hợp bé gái Lương Phạm Ngọc Ánh (12 tuổi) và bé trai Lương Phạm Nhật Huy (2 tuổi) ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa). Bé Ánh nhập viện trong tình trạng cơ thể có nhiều vết thương hở, gãy tay phải. Bé Nhật Huy bị nhiều vết thương ở vùng môi, chảy máu nhiều, chấn thương cơ, mô dưới da, thần kinh mạch máu.

Cháu Lương Phạm Nhật Huy bị nhiều vết thương vùng mặt do chó cắn (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Theo lời kể của ông Lương Văn Khải, cha của hai bé, vào chiều 8/5, hai chị em sang nhà hàng xóm chơi và bị con chó của chủ nhà được xích ở gốc cây cắn. Sau khi phát hiện sự việc, chủ nhà đã bế hai cháu về và được gia đình đưa đến nhập viện, mổ cấp cứu. Hiện tại, sức khỏe của bé Ánh đã ổn định và được tiêm huyết thanh phòng chống bệnh dại, nhưng tình trạng của cháu Nhật Huy còn yếu và nóng sốt nên chưa thể tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại.

Bác sĩ Đặng Thị Minh Tuyết, Khoa răng-hàm-mặt cho biết: “Đây là một trong những trường hợp trẻ bị chó cắn thương tâm. Đối với trường hợp của bé Huy phải khâu nhiều mũi trên mặt, mặc dù không đe dọa đến tính mạng nhưng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ về sau”. Cũng theo các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, không riêng 2 trường hợp nói trên, thời gian gần đây, bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn phải đưa vào cấp cứu với tình trạng khá nặng.

ADQuảng cáo

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, riêng trong quý I, năm 2019, phòng tiêm chủng Sapo đã tiêm 2.165 liều vắc xin phòng, chống bệnh dại cho người dân trên địa bàn, tăng 106 liều so với cùng kỳ và 143 liều huyết thanh, tăng 85 liều so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, tình trạng người dân bị chó, mèo cắn ngày càng tăng và đáng báo động. Điều đáng nói, trẻ em lại là đối tượng dễ bị tổn thương khi vật nuôi tấn công. Do trẻ em thích đùa nghịch với vật nuôi cùng với việc chiều cao cơ thể chưa phát triển nên dễ bị tấn công và thường bị thương ở các vị trí nguy hiểm là đầu, cổ và mặt.

Bên cạnh tổn thương ngoài da, người bị chó cắn còn phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh dại. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, có tỷ lệ tử vong gần 100%. Nguy hiểm là vậy, nhưng công tác quản lý, đăng ký vật nuôi trong gia đình hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều gia đình có thói quen nuôi chó thả rông hoặc ban ngày nhốt, ban đêm thả ra ngoài nên vật nuôi rất hay tấn công người.

Bên cạnh đó, công tác phòng, bệnh dại cho chó, mèo cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Theo thống kê của ngành chức năng, năm 2018, toàn tỉnh có hơn 16.500 liều vắc xin dại chó được tiêm. Đây là con số khiêm tốn bởi thực tế hiện nay, người dân nuôi chó tự phát, không khai báo số lượng nên cơ quan chuyên môn cũng khó kiểm soát số lượng để vận động tiêm phòng dại cho chó.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, với những gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Nếu nuôi chó phải tiến hành tiêm phòng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với chó. Bên cạnh đó, người bị chó, mèo cắn phải rửa sạch vết thương bằng xà phòng, sau đó đến cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Khi tiêm phòng bệnh dại yêu cầu phải tuân thủ tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch. Người bị chó cắn cần theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần, đề phòng chó mèo sau cắn người rồi bị ốm, chết, lên cơn dại, để có hướng xử lý tiếp theo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tình trạng trẻ bị vật nuôi tấn công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO