“Cánh tay nối dài” của hội phụ nữ ở cơ sở

Thanh Nga| 27/12/2017 14:42

Trong 5 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh luôn chú trọng công tác xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng hội viên nòng cốt tại các vùng dân tộc thiểu số và tôn giáo.

ADQuảng cáo

Các hội viên nòng cốt đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nắm bắt tình hình đời sống của chị em có đạo, giúp đỡ kịp thời những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, không những tạo được niềm tin của nhân dân mà còn góp phần tạo sự hòa hợp, gắn bó giữa đạo với đời và tổ chức hội phụ nữ với tôn giáo.

Bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh (ngoài cùng bên trái) trao đổi với các hội viên nòng cốt về kinh nghiệm vận động chị em tôn giáo tích cực tham gia sinh hoạt hội

Tham gia công tác hội phụ nữ nhiều năm nay, chị Thị Bleng được chọn là hội viên nòng cốt của bon Giêng Ngai, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức). Chị Thị Bleng chia sẻ: “Ban đầu, tôi tham gia công tác hội cho vui và để học hỏi chị em cách làm ăn, chăm sóc gia đình, nhưng do tích cực hoạt động, nên được chọn là hội viên nòng cốt của bon. Tôi được tham gia các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng để xử lý các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn. Trong bon có khá nhiều bà con theo các tôn giáo khác nhau nhưng luôn chấp hành tốt việc sinh hoạt đạo, chăm chỉ làm ăn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn thường xuyên nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của chị em để không cho những đối tượng xấu lợi dụng, xúi giục làm những việc trái pháp luật”.

Xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) hiện có trên 1.200 hội viên phụ nữ, trong đó có hơn 200 hộ theo các tôn giáo như Phật giáo, Tin lành, Công giáo. Đa số các hộ theo các tôn giáo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, sinh sống chủ yếu tại bon Sê Rê 1 và Sê Rê 2.

ADQuảng cáo

Theo chị Thị Rong, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đắk Ru, thời gian qua, Hội Phụ nữ xã đã tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các vấn đề về dân tộc, tôn giáo cho hội viên, phụ nữ tại 2 bon. Các cán bộ, hội viên nòng cốt được phân công bám địa bàn để tuyên truyền, vận động chị em, bà con bằng tiếng đồng bào M’nông nên dễ hiểu. Trong quá trình tuyên truyền, hội chú trọng phân tích cho chị em thấy được bản chất của những đối tượng xấu lợi dụng tôn giáo là kích động, xúi giục, lôi kéo làm việc xấu, vượt biên...

Chị H’Kuit Niê (bên phải) Tổ phó tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) vận động chị em trong bon sinh ít con để nuôi dạy và chăm sóc con tốt

Theo Hội LHPN tỉnh, đội ngũ hội viên nòng cốt luôn là người đi đầu trong các hoạt động phong trào hội và là “cánh tay nối dài” của hội cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 18.262 hội viên nòng cốt; trong đó có 4.611 hội viên theo các tôn giáo. Để phát huy vai trò của hội viên nòng cốt, các cơ sở hội đã xây dựng tổ hội viên nòng cốt tôn giáo ở các địa bàn trọng điểm, được xem là lực lượng tích cực, gương mẫu đi đầu trong các phong trào của tổ chức hội.

Không những phối hợp nắm bắt tình hình và góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, hội viên nòng cốt còn tập trung tuyên truyền chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách dân tộc, tôn giáo cho bà con và chị em trong vùng. Qua nắm bắt tình hình, chị em đã phát hiện, đấu tranh, tố cáo hành vi của các đối tượng xấu cũng như tuyên truyền, vận động hàng nghìn hộ dân từ bỏ các tà đạo, không vượt biên trái phép…

Theo bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, công tác phát triển hội viên và xây dựng lực lượng hội viên nòng cốt là nhiệm vụ quan trọng, mang tính lâu dài, góp phần xây dựng và phát triển tổ chức hội vững mạnh. Các hội viên nòng cốt đã tranh thủ sự ủng hộ của chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng các tôn giáo để vận động hội viên, giáo dân thực hiện các nội dung phong trào thi đua yêu nước, gắn với phong trào “Người công giáo kính Chúa, yêu nước”.  Hàng năm, các hội viên nòng cốt tiêu biểu đều biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời, tạo thêm tinh thần phấn khởi trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cánh tay nối dài” của hội phụ nữ ở cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO