Cây thoát nghèo ở Quảng Trực

Thanh Hằng| 03/01/2023 09:20

Xã Quảng Trực (Tuy Đức) hiện là địa phương có diện tích trồng mắc ca lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Nhờ cây mắc ca bám rễ, năng suất ổn định đã giúp cho người dân địa phương, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống.

ADQuảng cáo

Từng bước thoát nghèo

Gia đình ông Điểu Đắk, bon Bu Prăng 1 (Quảng Trực) có gần 500 cây mắc ca cho thu hoạch 4 năm nay. Số mắc ca này được ông trồng xen canh với cà phê, giúp gia đình có nguồn thu ổn định.

Ông Điểu Đắk cho biết, do đông con nên gia đình thuộc diện hộ nghèo, đời sống kinh tế khó khăn. Sau khi được nhận hỗ trợ hơn 400 cây mắc ca giống do ngành Nông nghiệp và huyện Tuy Đức  triển khai giúp gia đình có thêm sinh kế, thoát nghèo.

“Sau khi được hỗ trợ cây giống, tôi còn được sang tận Lâm Đồng để học hỏi trồng, chăm sóc, thu hoạch mắc ca. Đến đầu năm 2017, vườn mắc ca của gia đình đã cho thu hoạch những quả đầu tiên. Năm 2022, được khoảng 2 tấn quả tươi, với giá bán dao động khoảng 80.000 - 110.000 đồng, gia đình thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ vườn mắc ca xen cà phê”, ông Điểu Đắk cho hay.

Năm 2012, ông Điểu Đắk được hỗ trợ hơn 400 cây mắc ca giống, tạo điều kiện để phát triển kinh tế

Sau nhiều năm liền có thu nhập ổn định từ vườn mắc ca, ông Điểu Đắk tiếp tục mở rộng diện tích; phát triển thêm kinh tế từ việc chăn nuôi bò. Từ không đủ ăn, gia đình ông Điểu Đắk thoát nghèo và hỗ trợ các hộ khác cùng sản xuất mắc ca.

ADQuảng cáo

“Đến nay, 4 đứa con của tôi đã lập gia đình và ra ở riêng. Dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng vợ chồng, con cái động viên nhau cố gắng phát triển kinh tế, nuôi các cháu đi học đầy đủ”, ông Điểu Đắk nói.

Tương tự, ông Điểu P’lao, bon Bu Prăng 1 cũng có nguồn thu ổn định, từng bước thoát nghèo nhờ sản xuất mắc ca. Từ vườn mắc ca 8 năm tuổi này, 2 người con của ông Điểu P'lao yên tâm khi học bậc THPT. Ông Điểu P’lao chia sẻ: “Ngoài hỗ trợ mắc ca giống, cán bộ xã và huyện đã tận tình hỗ trợ gia đình chăm sóc cây mắc ca. Đến nay, mỗi năm, với khoảng hơn 1 tấn mắc ca, 2 tấn tiêu và 2 tấn cà phê, gia đình tôi không phải chịu cảnh đói ăn, đói mặc như những năm trước nữa”.

Sản phẩm mắc ca qua chế biến của xã Quảng Trực ngày càng được ưa chuộng

Phá thế độc canh

Cây mắc ca thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của xã biên giới Quảng Trực nên nhiều hộ dân được hỗ trợ cây giống, phân bón như ông Điểu Đắk đã có cơ hội để vươn lên thoát nghèo. Trồng mắc ca xen canh, vừa tận dụng được diện tích đất trống, vừa giúp chắn gió cho cà phê, hồ tiêu, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích. Ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, trước khi tiếp cận với cây mắc ca, đời sống người dân còn khó khăn vì lối canh tác còn lạc hậu, năng suất cây trồng thấp. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng, từ 2012 - 2015, xã Quảng Trực đã phát triển được khoảng hơn 300 ha mắc ca, trong đó được trồng chủ yếu tại Bu Prăng 1.

Cùng với việc hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, chính quyền, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục và cầm tay chỉ việc, để người dân thay đổi tập quán sản xuất, từ đó phá được thế độc canh. Sau 10 năm, cây mắc ca đã bám rễ tại vùng đất biên giới xã Quảng Trực, trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong việc phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo của địa phương. Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở việc sản xuất thô, mắc ca đã qua chế biến của Quảng Trực dần định hình, có chỗ đứng trên thị trường.

“Cây mắc ca đã giúp thay đổi tập quán sản xuất của người dân, nhất là đồng bào DTTS tại chỗ, từ quảng canh chuyển sang thâm canh. Hiện tại, toàn xã Quảng Trực có gần 600 ha mắc ca (đứng sau diện tích cà phê).. Cây mắc ca góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo cho bà con nơi đây”, ông Nguyễn Hải Lý nói.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây thoát nghèo ở Quảng Trực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO