Chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số: Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Vũ Trang| 18/09/2017 09:27

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực Bảo hiểm y tế (BHYT) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn đã được triển khai thường xuyên, hiệu quả. Đây là một trong những điều kiện quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS.

ADQuảng cáo

Đồng bào DTTS ngày càng tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ khám, chữa bệnh bằng BHYT. (Trong ảnh: Bệnh nhân DTTS được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Đưa chính sách đến gần dân

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, hàng năm, đơn vị phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh, cùng các ngành có liên quan đẩy mạnh việc rà soát, lập danh sách và cấp thẻ BHYT cho đối tượng người DTTS sống tại vùng khó khăn. Theo thống kê, trong giai đoạn 2015-2016, toàn tỉnh đã cấp 260.856 thẻ BHYT cho người DTTS; trong đó, số người DTTS sử dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh là 219.264 người, chiếm hơn 84%.

Để tạo thuận lợi nhất cho đồng bào DTTS, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 81 cơ sở y tế trên địa bàn, tổ chức khám, chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến tuyến huyện, tỉnh. Đồng thời, việc thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh đối với tuyến huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS được khám, chữa bệnh ở tất cả các cơ sở y tế tuyến huyện trong tỉnh mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến. Đặc biệt, ngoài việc được chi trả chi phí thuốc, vật tư y tế…, bệnh nhân là người DTTS sinh sống tại các các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ chi phí chuyển viện trong quá trình điều trị bệnh.

Về chất lượng khám, chữa bệnh, hiện nay, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã đầu tư các trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo Đề án “bệnh viện vệ tinh”, Đề án 1816… nên đã thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến, tạo niềm tin cho người dân.

Riêng đầu năm 2017, việc công nhận xã khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ chậm, ảnh hưởng đến công tác cấp thẻ BHYT và quyền lợi người thụ hưởng. Dù các đối tượng đã được gia hạn thẻ BHYT nhưng trong hệ thống thông tin vẫn thể hiện giá trị sử dụng thẻ đến 31/12/2016. Do vậy, nhiều trường hợp đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoài tỉnh đã không được giải quyết quyền lợi kịp thời.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, đến nay, BHXH tỉnh đã hoàn thành việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng là người DTTS theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Thực tế cho thấy, hàng năm, việc cấp thẻ BHYT cho người DTTS tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời. Ngoài ra, việc rà soát, kiểm tra danh sách đối tượng của các xã, phường, thị trấn không chặt chẽ. Trong khi, phần mềm nghiệp vụ của ngành BHXH chưa có chức năng cảnh báo việc cấp trùng thẻ cho đối tượng, dẫn đến sai thông tin. Bên cạnh đó, việc tổng hợp lập danh sách người DTTS còn gặp không ít khó khăn là do thói quen sử dụng nhiều tên, nhiều năm sinh khác nhau, phát âm, viết chữ tiếng phổ thông hạn chế nên làm sai lệch giữa thông tin được in trong thẻ và các giấy tờ tùy thân khác.

Một bất cập nữa là việc phân cấp quản lý, xác định đối tượng trong một số văn bản chưa rõ ràng, chưa đầy đủ theo luật BHYT và Nghị định 105 của Chính phủ. Về phía người dân, tình trạng đi khám, chữa bệnh không mang thẻ, thường xuyên thiếu thủ tục như giấy tờ tùy thân có ảnh, giấy chuyển viện..., gây trở ngại trong khâu tiếp nhận vào viện. Việc bảo quản thẻ BHYT của đồng bào chưa được quan tâm. Thẻ BHYT bị rách, mờ gây khó khăn cho việc tra cứu và nhận dữ liệu vào hệ thống giám định BHYT...

Theo BHXH tỉnh, mặc dù còn những vướng mắc, hạn chế, nhưng phải khẳng định, việc thực hiện chính sách BHYT cho đồng bào DTTS vùng khó khăn đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống cho người dân. Vì vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đồng bào DTTS để hiểu quyền lợi và trách nhiệm khi sử dụng thẻ BHYT.

Công tác in và phát hành thẻ BHYT cũng sẽ được thực hiện chặt chẽ, tránh sai sót, gây khó khăn trong việc thực hiện chế độ BHYT. Đặc biệt, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, ngành cũng tích cực phối hợp với ngành Y tế trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm bảo đảm tốt quyền lợi khám, chữa bệnh bằng BHYT của đồng bào DTTS.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số: Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO