Chủ động phòng, chống thời tiết nguy hiểm

Hồng Thoan| 17/05/2021 09:08

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) vừa ban hành văn bản gửi các huyện, thành phố về việc chủ động ứng phó thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, gió giật, mưa lớn.

ADQuảng cáo

Theo đó, các địa phương triển khai theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn để kịp thời có những thông báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại của các hiện tượng thời tiết xấu.

Lốc, mưa lớn gây đổ cây trồng của người dân xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) (ảnh chụp năm 2019)

Các huyện, thành phố sẵn sàng phương án phòng, chống ngập úng, sạt lở đất nhất là khu vực đô thị và khu dân cư tập trung. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn Nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét và gió giật mạnh cần được các cấp, ngành, đoàn thể đẩy mạnh hơn.

Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, cực đoan có thể xảy ra trên địa bàn tất cả các huyện, thành phố. Trong đó, theo quy luật những năm gần đây, các địa phương như Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Gia Nghĩa đều bị ảnh hưởng mạnh bởi các hiện tượng thời tiết xấu.

Cụ thể như tháng 9/2020, tại thôn 4, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) đã xảy ra một trận lốc xoáy gây ảnh hưởng khá lớn. 3 ngôi nhà bị đổ tường, tốc mái, hàng trăm trụ tiêu, nhiều diện tích cao su của người dân bị đổ, bật gốc.

Mưa to, gió lớn gây đổ nhiều cây xanh ở trung tâm Gia Nghĩa. Ảnh chụp năm 2019

Theo anh Nguyễn Văn Nhật, hộ dân có nhà bị thiệt hại do đợt lốc xoáy này, mưa lớn và lốc xoáy xảy ra vào buổi chiều tối, diễn ra rất nhanh, lúc đó anh đang ở vườn, chưa kịp chạy vào thì nhà đã tốc mái, đổ tường.

ADQuảng cáo

Các cơ quan chức năng nhận định, năm 2021 các hiện tượng thời tiết nguy hiểm rất dễ xảy ra. Nhất là giai đoạn chuyển mùa từ tháng 4 - 6. Hình thể thời tiết phổ biến ở giai đoạn này là mây thay đổi, ngày nắng gián đoạn, chiều tối có mưa rào và dông rải rác đến nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông thường có lốc, sét, mưa đá và gió mạnh, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất.

Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, người dân cần lưu ý, khi đang gặp mưa, có sấm sét thì không nên núp dưới tán cây cao, cây rễ nhiều, cột dẫn điện như thu lôi, truyền thanh, truyền hình.

Những cây đa, sồi, gòn, những gò đất, đỉnh núi nhô cao, vực sâu chứa nhiều hơi ẩm cũng không nên ẩn nấp. Trong lúc dông sét, bà con không mang theo bên mình những vật làm bằng kim loại và tìm chỗ khô ráo, trú vào những chỗ cây thưa, tầm thấp để tránh sét. Khi nghe tiếng sét, bà con thực hiện động tác nhón chân, tay ôm cổ, không được nằm xuống đất, không đứng thành nhóm người gần nhau.

Mưa lũ gây sạt lở khu vực chân cầu Đắk Nang (Krông Nô). Ảnh chụp năm 2020

Trường hợp đang ở trong nhà, nếu dông lốc xảy ra, người dân cần hạn chế sử dụng nước để tắm hay sinh hoạt, đứng xa vị trí cửa sổ, rút phích cắm điện và tắt các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, tủ lạnh để tránh làm chập điện trong trường hợp bị sét đánh trúng.

Để giảm thiểu thiệt hại vật chất, cơ quan, tổ chức, người dân cần có những biện pháp cụ thể để gia cố, bảo vệ mái nhà, trụ sở, công trình, che chắn bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

Các địa phương kiểm tra, rà soát các điểm nguy cơ, lên phương án chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra, nhất là bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ bảo đảm an toàn cho người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống thời tiết nguy hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO