Chung tay chăm lo, xoa dịu nỗi đau da cam

Đặng Hiền| 04/07/2018 10:33

Nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động giúp gia đình các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

ADQuảng cáo

Bà Huỳnh Thị Xuân (SN 1953), ở tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) tham gia kháng chiến chống Mỹ từ những năm 1972 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học khiến cho sức khỏe suy giảm, khả năng lao động chỉ còn 41%. Đau lòng hơn cả, bà Xuân không còn thiên chức bình thường của người phụ nữ là được làm mẹ. Không có khả năng sinh con, li dị để chồng tìm hạnh phúc mới, bà Xuân sống thui thủi một mình trong căn nhà gỗ ọp ẹp nhiều năm nay. Năm 2018, gia đình bà Xuân đã được các cấp hội hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới.

Bà Xuân xúc động cho biết: Tôi tham gia làm du kích, không may bị nhiễm chất độc hóa học. Lưu lạc từ Bình Định đến đây, sống thui thủi một mình cũng không có điều kiện làm cái nhà đàng hoàng để ở, cứ ngỡ cả đời sẽ mãi vậy thôi. Vậy mà bây giờ được Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin quan tâm, hỗ trợ tiền để xây một căn nhà mới, tôi rất vui và phấn khởi lắm”.

Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh, bà Huỳnh Thị Xuân ở tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp) đã xây dựng được ngôi nhà khang trang

Không chỉ riêng bà Xuân, trong 5 năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin đã kêu gọi sự ủng hộ từ nhiều nguồn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 35 gia đình nạn nhân.

ADQuảng cáo

Từ năm 2016 đến nay, em Nguyễn Ngọc Thanh Tâm (SN 2009), học tại Trường tiểu học Lê Hữu Trác, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) đều được nhận học bổng 500.000 đồng/tháng. Số tiền tuy không nhiều, nhưng với em và gia đình là nguồn hỗ trợ lớn. Tâm tự hào: “Có được học bổng, như được khích lệ, em càng cố gắng phấn đấu vươn lên trong học tập để có một tương lai tốt hơn". Tâm là 1 trong 7 học sinh là nạn nhân CĐDC được Hội lựa chọn, trao học bổng “Hạt giống hy vọng” do bà Masako Sakata (Nhật Bản) sáng lập nhằm động viên, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vững tin trên con đường học tập.

Các em học sinh là nạn nhân CĐDC được trao học bổng "Hạt giống hy vọng"

Bên cạnh hỗ trợ về nhà ở, trao học bổng, Hội cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, lúc ốm đau, cấp xe lăn, áo ấm cho các nạn nhân. Để công tác giúp đỡ tập trung vào những hoạt động mang tính bền vững, Hội còn chủ động phân bổ cho 10 hộ gia đình nạn nhân CĐDC vay vốn hỗ trợ sản xuất trong 5 năm không tính lãi cho mỗi hộ 10 triệu đồng. Đồng thời, Hội còn cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình, khảo sát, hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, thiết thực nhất.

Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 3.000 người bị phơi nhiễm CÐDC/Dioxin; trong đó có 1.200 người đang hưởng chế độ trợ cấp nhiễm chất độc hóa học. Phần lớn các đối tượng đều đang nỗ lực vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, có những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do di chứng để lại; có những gia đình không có điều kiện để xây dựng một căn nhà vững chắc để ở. Thấu hiểu được những khó khăn, vất vả đó, Hội Nạn nhân CÐDC/Dioxin đã huy động nhiều nguồn lực, kêu gọi sự giúp đỡ, những tấm lòng hảo tâm của cộng đồng và xã hội để có kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà cho các nạn nhân CÐDC thuộc hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, không có khả năng xây nhà.

Theo bà Đặng Thị Tầm, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh, từ năm 2013 đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã vận động được trên 5,65 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC. Qua đó, nhiều hoạt động thiết thực được triển khai, giúp các nạn nhân CĐDC vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, Hội mong muốn có nhiều đơn vị, nhà hảo tâm, cộng đồng xã hội chung tay góp sức, sẻ chia, giúp đỡ hơn nữa để các nạn nhân CĐDC trên địa bàn có cuộc sống tốt hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay chăm lo, xoa dịu nỗi đau da cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO