Chung tay phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái

Bài, ảnh: Thanh Nga| 01/01/2019 09:33

Năm 2018 là năm thứ 3 Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em” được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa, với nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa.

ADQuảng cáo

Chị em hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 viết vào “bàn tay cam” các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình

Bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em còn nhiều thách thức

Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017, Việt Nam xếp thứ 69/144 quốc gia xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn nhiều thách thức.

Cụ thể, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức nông nghiệp năm 2017 ước tính là 57%; trong đó khu vực thành thị là 48,5%, khu vực nông thôn là 64,4%. Lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng thấp hơn so với lao động nam (Nữ khoảng 5,07 triệu đồng/tháng, nam 5,66 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, thời gian làm việc nhà của nữ gấp 1,62 lần so với nam giới. Phụ nữ vẫn dành trung bình 4,5 giờ mỗi ngày cho công việc chăm sóc không lương, tương đương 32 giờ trong một tuần, 207 ngày trong một năm.

Nỗ lực lớn từ các cấp hội phụ nữ

Thực tế, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam và các cấp hội luôn nỗ lực thực hiện công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như vận động, tư vấn pháp luật về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và bình đẳng giới; xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ hiệu quả; tham gia hòa giải các vụ việc hôn nhân, gia đình; tham gia, phối hợp với các ngành giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

ADQuảng cáo

Hội LHPN Việt Nam đã thành lập 3 nhà tạm lánh mang tên “Ngôi nhà Bình Yên”. Mô hình đã tiếp nhận và hỗ trợ trên 1.000 phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, bị mua bán trở về; tư vấn cho hàng ngàn lượt phụ nữ và nam giới về các vấn đề liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình.

Hội cũng tham mưu, đề xuất Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Các cấp hội triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tới cơ sở.

Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 bằng những việc làm cụ thể

Tại Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018, Hội LHPN Việt Nam đã tiến hành chuỗi hoạt động hưởng ứng bằng nhiều hình thức mới mẻ, sáng tạo nhằm tăng cường đối thoại, bàn bạc. Trong đó, có chương trình bữa sáng “Ruy băng trắng” với thông điệp “Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em-Vì môi trường an toàn và bình đẳng của phụ nữ, trẻ em gái” tại các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Cần Thơ. Chương trình đối thoại chính sách, tập huấn công tác phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em tại các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Long và Hậu Giang và Chương trình triển lãm “Phía sau cánh cửa” tại Hà Nội.

Riêng ở Đắk Nông, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức các hoạt động như: Chương trình cà phê sáng luận bàn chủ đề: “Phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em-vì môi trường an toàn và bình đẳng của phụ nữ, trẻ em gái”; diễu hành hưởng ứng, tập huấn công tác phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em cho lãnh đạo, cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng và cán bộ hội; thành lập các câu lạc bộ, tổ hòa giải…

Đáng chú ý, năm 2017, toàn quốc có 13.221 vụ bạo lực gia đình; phát hiện 1.592 vụ xâm hại trẻ em; trong đó nạn nhân là trẻ em gái là 1.517 em (chiếm 92,3%). Các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong thời gian qua cho thấy tính chất ngày càng nghiêm trọng. Nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em diễn ra trong thời gian dài mà thủ phạm chính là thành viên trong gia đình hoặc là những người rất thân quen.

Phát biểu tại Chương trình hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018” được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bày tỏ quan điểm: Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người, bào mòn sự lành mạnh và hạnh phúc của mỗi gia đình. Bạo lực ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội và kéo lùi sự phát triển, tiến bộ văn minh của xã hội. Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng được xem là những trở ngại lớn trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Do đó, việc phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, xây dựng môi trường xã hội văn minh, an toàn, bình đẳng cho mọi người, rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Tất cả các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng cần phải cùng chủ động cam kết và có các hành động cụ thể, thiết thực.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO