Chương trình Choice: Giúp phụ nữ tiếp cận tốt với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

Vũ Trang| 06/03/2017 14:25

Được triển khai thực hiện từ năm 2012, chương trình phối hợp “Thúc đẩy cung ứng và tiếp cận các biện pháp tránh thai dài hạn, vĩnh viễn với sự tự nguyện, chất lượng cao và bền vững tại Đắk Nông” (gọi tắt là Chương trình Choice) đã giúp người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ).

ADQuảng cáo

Đây là chương trình phối hợp giữa Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Trung tâm CSSKSS tỉnh và Tổ chức Marie Stopes International Việt Nam (MSIVN).

Phụ nữ được tư vấn về các biện pháp chăm sóc sức khỏe

Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thì Chương trình Choice được thiết lập xen kẽ vào giữa các đợt tổ chức chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ, với mục đích tạo thêm các cơ hội tiếp cận các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho phụ nữ trong suốt cả năm thay vì định kỳ 2 lần/năm. Đối tượng của chương trình tập trung vào người dân vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số có nhu cầu cao về các biện pháp tránh thai lâu dài và vĩnh viễn; nhóm dân thu nhập thấp, dân nghèo ở địa bàn có nhu cầu cao chưa được đáp ứng; thanh niên và vị thành niên...

Riêng trong năm 2016, Chương trình Choice đã cung cấp 5.878 ca đặt dụng cụ tử cung; hỗ trợ hơn 10.000 tài liệu truyền thông về DS-KHHGĐ; tư vấn, hướng dẫn CSSKSS/KHHGĐ cho phụ nữ tại 71 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, Chương trình cũng tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 60 nữ hộ sinh, y sĩ cung cấp dịch vụ tại cơ sở...

Cán bộ Trạm y tế phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) khám sàng lọc cho chị em trước khi cung cấp dịch vụ KHHGĐ

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Xuân Lâm, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thì trong điều kiện kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về dân số ngày càng hạn hẹp, kinh phí đầu tư của tỉnh còn nhiều khó khăn, việc tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức MSIVN là hết sức cần thiết.

Hiện nay, ở tuyến xã, mỗi ca đặt dụng cụ tử cung được chương trình hỗ trợ 32.000 đồng; trong đó, hỗ trợ hậu cần cho trạm y tế là 12.000đồng/ca, hỗ trợ cộng tác viên tư vấn, vận động người dân đến đặt dụng cụ tử cung là 10.000 đồng/ca; hỗ trợ cho người cung cấp dịch vụ là 10.000 đồng/ca. Thực tế, việc hỗ trợ chi phí trực tiếp cho khách hàng, người vận động, người cung cấp dịch vụ, người tổ chức thực hiện, truyền thông cộng đồng… là nguồn động viên rất lớn cho đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở.

Bên cạnh việc hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, Chương trình Choice còn góp phần không nhỏ trong việc giúp tỉnh hoàn thành các mục tiêu DS-KHHGĐ. Những năm gần đây, các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch được giao.

Riêng năm 2016, nhiều chỉ tiêu đạt cao như: đình sản đạt 141%; dụng cụ tử cung đạt 100,2%, thuốc tiêm tránh thai đạt 130,2%... Tỷ lệ sinh giảm xuống 0,5%o; tỷ suất sinh thô giảm còn 17,5%o (giảm 0,5%o so với năm 2015); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,24% (giảm 0,06%); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,1% so với năm 2015...

Để bảo đảm tính bền vững của công tác DS-KHHGĐ, việc đầu tư cho các biện pháp tránh thai dài hạn, hiệu quả cao, tỷ lệ bỏ cuộc thấp như đình sản, dụng cụ tử cung, thuốc cấy tránh thai... luôn được ngành dân số ưu tiên lựa chọn. Dự kiến đến năm 2020, cơ cấu biện pháp tránh thai được đề xuất sẽ theo tỷ lệ biện pháp dài hạn/biện pháp ngắn hạn là 53,8%/46,2%. Trên cơ sở đó, việc triển khai Chương trình Choice là phù hợp với định hướng của Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011-2020.

Để việc triển khai chương trình ngày càng mang lại hiệu quả cao, cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ngành dân số đang tập trung vào một số hoạt động như: Đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng tư vấn, vận động cho đội ngũ cán bộ dân số sơ sở; mua sắm các trang thiết bị y tế cần thiết; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ; phòng, chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở được chương trình hỗ trợ...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình Choice: Giúp phụ nữ tiếp cận tốt với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO