Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch nông thôn: Cần khắc phục vướng mắc để sớm triển khai dự án

Nguyễn Lương| 02/05/2018 10:34

Chưa nắm rõ bộ tiêu chí, lúng túng trong quá trình triển khai, nhiều chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến dự án… là những nguyên nhân làm chậm trễ việc triển khai Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch nông thôn tại Đắk Nông dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Việc chậm trễ trong triển khai chương trình này, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân được thụ hưởng, mà còn tác động đến tiến độ của nhiều tỉnh, thành nằm trong vùng dự án.

ADQuảng cáo

Theo kế hoạch, nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 dành cho Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, vay vốn WB tại Đắk Nông là gần 167 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2018, chương trình được giao vốn hơn 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay, các chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư để giao vốn triển khai thực hiện.

Chương trình được triển khai sẽ có nhiều công trình cấp nước trường học, công trình cấp nước nông thôn được xây mới, cải tạo để đưa vào sử dụng

Ý nghĩa thiết thực

Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, vay vốn của WB được WB triển khai trên 21 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đắk Nông. Chương trình có 3 hợp phần, gồm: Cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, kiểm tra, giám sát, đánh giá. Khác với những chương trình nước sạch khác, chương trình này sẽ thực hiện giải ngân vốn vay từ WB dựa trên kết quả đầu ra phù hợp với các tiêu chí đã được thống nhất ban đầu.

Nghĩa là, mục tiêu quan trọng nhất của chương trình là đầu tư xây dựng công trình và phát huy hiệu quả thực tế. Khi nhà tài trợ thấy rõ kết quả mới giải ngân vốn vay như đã cam kết. Chương trình rất chú trọng đến vệ sinh, tức là làm nước sạch để phục vụ cho công tác vệ sinh, góp phần nâng cao sức khỏe, cũng như các vấn đề vệ sinh môi trường ở nông thôn.

Nhiều cái khó trong quá trình triển khai

Theo Sở Nông Nghiệp-PTNT, trong năm 2018, với nguồn vốn hơn 110 tỷ đồng, toàn tỉnh sẽ có 71 công trình cấp nước, công trình vệ sinh trạm y tế, công trình vệ sinh và cấp nước trường học và gần 920 công trình vệ sinh hộ gia đình được xây mới, cải tạo. Tuy nhiên, hiện nay, chương trình vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục để tiến hành giao vốn. Qua tìm hiểu, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn tỉnh cho biết: “Mấu chốt nhất hiện nay là các chủ đầu tư chưa hoàn thiện được hồ sơ. Theo nguyên tắc cơ bản là hồ sơ phải được phê duyệt. Không phê duyệt được dự án thì không mở được mã số để chuyển vốn”. Theo ông Dương lý giải, đến nay, các huyện, thị (chủ đầu tư các công trình) chưa hoàn thiện hồ sơ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật các công trình cấp nước nông thôn. Hầu hết, mỗi công trình đều thiếu từ 1 đến 4 tiêu chí so với quy định.

Cùng với đó, nhiều địa phương còn khá lúng túng trong việc nắm bắt tiêu chí để thực hiện. Theo quy định, về phía Trung tâm đã tổ chức hướng dẫn, nâng cao năng lực thực hiện cho cán bộ cấp huyện, nhưng nhiều tiêu chí trong tiểu hợp phần cấp nước nông thôn  như: tiêu chí thiết kế, cam kết, đấu nối; cam kết vốn đối ứng theo quy định xây dựng công trình cấp nước… vẫn chưa được đội ngũ cán bộ chuyên trách hiểu đúng nghĩa. Từ đây, dẫn đến tình trạng chưa hoàn thiện giai đoạn lập báo cáo kinh tế, kỹ thuật các công trình. Các huyện chưa lựa chọn được nhà thầu có năng lực trong công tác thiết kế, công tác xin giấy phép khoan, thăm dò. Các chủ đầu tư công trình cấp nước gặp khó khăn trong việc kiểm tra, rà soát nhu cầu, hiện trạng các công trình cấp nước trên địa bàn để đề xuất điều chỉnh danh mục các công trình.

ADQuảng cáo

Chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm

Theo đánh giá của các đơn vị liên quan, ngoài những nguyên nhân khách quan, sự chậm trễ trong quá trình triển khai dự án một phần xuất phát từ sự thiếu quan tâm của các chủ đầu tư. Ông Phạm Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho rằng: “Một số nơi, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức về công tác nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn”.

Ông Hào lý giải, đơn cử như việc tham gia tập huấn để triển khai chương trình, theo quy định, trước khi triển khai, các đơn vị liên quan được tập huấn nắm rõ bộ tiêu chí để thực hiện. Vậy nhưng, trong các buổi tập huấn, đại diện các địa phương, nhất là cán bộ lãnh đạo rất ít tham gia. Một số buổi có cán bộ chuyên trách tham gia nhưng chỉ đi lấy tài liệu rồi về chứ ít quan tâm đến chương trình. Do vậy, khi bắt tay vào việc lập hồ sơ, thực hiện các bộ tiêu chí, đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp còn lúng túng và lơ mơ.

Hay như theo Quyết định 2316/2016/QĐ-UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn đã chỉ rõ, các huyện, thị xã làm chủ đầu tư các công trình cấp nước nông thôn, công trình cấp nước vệ sinh trường học, công trình vệ sinh nông thôn, nhưng các đơn vị mới chỉ chú trọng đến công trình cấp nước nông thôn, còn như “lãng quên” các tiểu hợp phần kia. Quy định cũng chỉ rõ, hằng năm chủ đầu tư kiểm tra, rà soát nhu cầu cấp nước sinh hoạt, hiện trạng các công trình cấp nước trên địa bàn để đề xuất, điều chỉnh. Vậy nhưng, công tác này cũng không mấy được quan tâm cho lắm.

Chương trình được triển khai sẽ có nhiều công trình cấp nước trường học, công trình cấp nước nông thôn được xây mới, cải tạo để đưa vào sử dụng

Cần xử lý nghiêm các đơn vị chậm trễ

Theo quy định, năm 2018, nếu không giải ngân được nguồn vốn thì buộc phải trả lại Trung ương chứ không thể chuyển cho dự án khác. Tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế, xã hội quý I vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn đề nghị chậm nhất là giữa tháng 4, chủ đầu tư các huyện phải hoàn thành các thủ tục liên quan tới dự án. Bởi vì, dự án này là vốn vay từ WB và có liên quan tới 21 tỉnh, thành trong cả nước. Nếu tỉnh Đắk Nông không triển khai được thì cả nước cũng không thể triển khai được.

Để đẩy nhanh tiến độ, đầu tháng 4, tại Công văn 1467/UBND-NN về việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các công trình thuộc Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo sẽ nghiêm khắc phê bình Chủ tịch UBND các huyện, thị xã vì đã không thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của chủ đầu tư.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp-PTNT làm việc với các huyện, thị xã, các sở, ngành có liên quan phân tích kỹ nguyên nhân chậm trễ. Qua đó, đơn vị đề xuất giải pháp hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định để bố trí vốn ODA cho chương trình. Tuy nhiên, mới đây, khi được hỏi về tiến độ hoàn thiện thủ tục, hồ sơ dự án, ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn tỉnh cho biết: “Đến thời điểm gần hết tháng 4, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có một địa phương nào hoàn thiện hồ sơ gửi về đơn vị”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch nông thôn: Cần khắc phục vướng mắc để sớm triển khai dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO