Chuyện ở Khu cách ly tập trung

Ngô Đồng| 15/09/2020 09:33

Phía sau cánh cổng Khu cách ly tập trung tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) trong những ngày qua là những hình ảnh lay động lòng người, ấm áp nghĩa đồng bào.

ADQuảng cáo

3 giờ sáng đã bắt đầu công việc

Trước khi quyết định tác nghiệp tại Khu cách ly tập trung, nhóm phóng viên chúng tôi khá đắn đo, suy nghĩ rất nhiều, sợ phải tiếp cận với những người đang thực hiện cách ly, làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân và cộng đồng. Tuy nhiên, khác với tưởng tượng, nơi đây chẳng có gì đáng sợ, bởi được bố trí nhiều khu riêng biệt rất an toàn. Được tận mắt chứng kiến những chiến sĩ, đội ngũ y, bác sĩ ngày đêm tận tình chăm sóc người cách ly, chúng tôi vô cùng khâm phục.

3 giờ sáng, các chiến sĩ đã thức giấc để chuẩn bị cơm sáng cho tất cả mọi người trong khu cách ly

Khi mọi người còn đang ngon giấc thì 3 giờ sáng, các chiến sĩ đã bắt đầu công việc cho đến tận 22 giờ đêm. Trung úy Trần Văn Hào, quản lý bếp ăn tại Khu cách ly cho biết: “Khi được phân công phụ trách bếp ăn cho công dân thực hiện cách ly, ban đầu tôi cũng hơi lo lắng. Nhưng rồi gạt qua tất cả sự lo lắng, tôi cùng cán bộ, chiến sĩ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Dù công việc khó khăn, vất vả, phải thức khuya, dậy sớm nhưng tất cả thành viên trong tổ nấu ăn cảm thấy rất vui vì đã đóng góp một phần trong việc phòng, chống dịch Covid-19, nhất là chia sẻ với Nhà nước, người dân trong lúc khó khăn”.

Từng món một được nấu và kiểm tra kỹ lưỡng

Đúng 6 giờ sáng, bữa ăn sáng của những người cách ly đã được chuẩn bị sẵn sàng. Các thành viên tổ nấu ăn đeo khẩu trang mang đồ ăn được chia sẵn đến khu vực quy định, rồi phát loa gọi đại diện từng phòng đến lấy. Sau khi hoàn thành việc phát đồ ăn sáng, tổ nấu ăn vội vã ăn sáng phần của mình để tiếp tục chuẩn bị bữa cơm trưa đến bữa cơm chiều cho người cách ly. Một số người khác dọn vệ sinh, lấy rác trong từng phòng, sau đó đợi xe chuyên dụng đến đem đến nơi xử lý.

Bộ đội, dân quân phối hợp chia đều khẩu phần ăn

Ấm áp nghĩa tình đồng bào

Trong khu cách ly không chỉ có tình quân dân ấm áp mà còn rất nhiều tình cảm, hình ảnh đẹp đẽ, nhất là câu chuyện cảm động của 2 cháu nhỏ tuổi do hoàn cảnh, không hề có người thân chăm sóc, mà đều gửi gắm hết vào mọi người tại khu cách ly. Đó là trường hợp của 2 anh em L.V.T.T (SN 2012) và bé L.Đ.B.N (SN 2015).

Đẩy cơm sáng cho công dân thực hiện cách ly đến điểm quy định

ADQuảng cáo

Ông Trần Xuân Cảnh, Phó Trưởng Phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: "Khi nhận được thông báo có 2 trường hợp cháu nhỏ đăng ký về Đắk Nông mà không có người lớn đi cùng, chúng tôi hết sức bất ngờ. Song được biết gia đình có hoàn cảnh hết sức đặc biệt khi 2 cháu ở với ông bà ngoại tại xã Quảng Trực (Tuy Đức), hè ra thăm ông bà nội ở TP. Đà Nẵng và bị kẹt lại do dịch Covid-19.

Trong khi đó, bố mẹ 2 cháu lại đang làm việc tại đảo Phú Quý (Bình Thuận) không thể về đón các cháu được, ông bà nội ngoại tuổi cao, sức yếu lại ốm đau bệnh tật nên không thể đi cùng. Vì vậy, khi đưa các cháu về Đắk Nông, chúng tôi rất thương cảm và lo lắng, trên đường đi chỉ lo các cháu khóc vì lạ, vì nhớ mẹ nhưng thật may mắn các cháu rất ngoan, rất nghe lời".

Giao cơm tại khu vực quy định

Bác T.T.L - được gửi gắm theo sát các cháu từng ngày cho biết: “Hiện đã hơn 10 ngày cách ly, 2 cháu ở cùng phòng với tôi. Mặc dù xa ông bà, ba mẹ, các cháu rất nhớ gia đình song rất ngoan, không hề khóc, ngày chơi vui vẻ, đêm ngủ ngon giấc, gia đình các cháu cũng gọi điện thoại động viên thường xuyên. Tôi nghĩ ở tuổi như 2 cháu mà nghiêm túc thực hiện cách ly như vậy quả thực rất dũng cảm, đáng khen”.

Hai cháu nhỏ được bác T.T.L chăm sóc hàng ngày

Đặt nhiệm vụ lên hàng đầu

Sau khi tác nghiệp xong, chúng tôi trò chuyện cùng Thiếu tá - bác sĩ Lê Sơn Hải làm việc tại Bệnh xá của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hiện đang tham gia thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly. Đang trò chuyện thì chuông điện thoại của anh lại reo lên: “Nay cuối tuần sao ba không về? Khi nào ba mới được về?". Nghe vậy chúng tôi cũng cảm thấy chạnh lòng, đồng cảm với tâm trạng của những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Vui vẻ thể dục thể thao hàng ngày song vẫn không quên đeo khẩu trang phòng bệnh

Hỏi chuyện bao lâu rồi không về thăm gia đình, Thiếu tá Hải nói: “Cũng gần 2 tuần rồi, nếu nay con không điện thoại, tôi cũng chẳng biết hôm nay là cuối tuần. Đối với anh em chúng tôi, khi vào đây làm việc thì phải đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, hy sinh cái riêng cho cái chung của đồng bào, của Tổ quốc”.

Dường như nỗi nhớ nhà, nhớ con, nhớ gia đình nhỏ đang bao trùm lên từng câu nói của anh, song dường như được kìm nén lại bởi nhiệm vụ mà họ đang thực hiện và nghĩa đồng bào cần phải bao bọc, chở che ở thời điểm này là quan trọng nhất.

Chỉ cần vào Khu cách ly tập trung một ngày, thậm chí một buổi thôi cũng đủ để cảm nhận sự hy sinh, vất vả của bộ đội, y, bác sĩ nơi đây - những người đang ngày đêm thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện ở Khu cách ly tập trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO