Chuyện xóa mù chữ ở xóm Đạo, xã Đắk N’Drót

Bài, ảnh: Y Krăk| 14/01/2019 09:46

Những tiếng đánh vần rôm rả vang lên mỗi đêm, những con chữ được viết nắn nót trên từng trang giấy từ lớp học xóa mù chữ đang giúp bà con dân tộc thiểu số ở xóm Đạo, thuộc thôn 6, xã Đắk N'Drót (Đắk Mil) thực hiện được ước mơ giản đơn, đó là biết viết tên mình, viết chữ và biết tính toán đơn giản trong mua bán, sinh hoạt hàng ngày.

ADQuảng cáo

Ở tuổi 52, lần đầu tiên ông Triệu Dao Chìu mới tập làm quen với con chữ. Ngày đầu đến lớp xóa mù chữ, ông lóng ngóng đến nỗi thầy không tài nào cầm tay để rèn từng nét chữ. Nhận biết mặt chữ rất khó nhưng ông vẫn không bỏ cuộc. Mỗi khi lên rẫy, tranh thủ lúc nghỉ ngơi, ông lại lấy que tập viết tên mình dưới nền đất.

Nhớ lời thầy dạy “Mọi công việc thành đạt đều nhờ sự kiên trì và lòng say mê”, luyện mãi cũng quen tay, học xong xóa mù chữ ở mức độ 1 ông đã cầm được bút chắc, viết tên mình, tên con cháu trong gia đình. Từ ngày biết chữ, cảm giác mặc cảm, thiếu tự tin mỗi khi xuống chợ mua sắm không còn nữa. Không chỉ viết được chữ, giờ đây ông còn biết tính toán, biết “ghi nợ” mỗi khi bán cà phê, hồ tiêu cho thương lái.

Không ngại khó khăn, chị Phùng Mùi Nải (áo cam) dẫn con lên lớp học để được xóa mù chữ cho bản thân

Trong lớp học xóa mù chữ, ấn tượng nhất là hình ảnh mẹ con chị Phùng Mùi Nải, 29 tuổi, đang chăm chú nghe thầy dạy cách phát âm, chỉ cách viết. Do chồng thường xuyên đi làm xa nhà, không có người trông con nên sau bữa ăn tối, không quản ngại mưa gió, đêm hôm chị vẫn rọi đèn dắt theo con gái lên lớp học chữ.

Chị Nải cho biết, hồi nhỏ ở quê, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhà lại cách xa trường hàng chục km nên không có điều kiện để học hành. Giờ chị mới thấm thía, không biết chữ thật lạc hậu và thiệt thòi. Vậy nên, dù đã khá lớn tuổi và bận rộn việc gia đình, nhưng khi lớp học được tổ chức, chị đã quyết tâm đi học với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình.

Được biết, không riêng gì ông Chìu, chị Nải..., mà rất nhiều bà con ở xóm Đạo, sau khi được sự vận động của chính quyền, đoàn thể địa phương đã tham gia lớp học xóa mù chữ một cách nhiệt tình và tích cực. Sau thời gian học giai đoạn 2 xóa mù chữ, các học viên đã đọc thông, viết thạo. Nhiều học viên đã biết tính toán, cộng trừ nhân chia và áp dụng vào thực tế cuộc sống.

ADQuảng cáo

Thầy Lê Văn Tám, giáo viên đứng lớp xóa mù chữ kể: “Khi đảm nhận dạy lớp xóa mù chữ, tôi cũng gặp không ít khó khăn trong việc dạy và học vì các học viên đều đã lớn tuổi, mắt kém nên khó tiếp thu kiến thức. Năm đầu khi mới tổ chức lớp học, vừa thấy bóng dáng giáo viên ở đầu xóm, người dân đã cửa đóng, then cài, có người còn giả ốm không tiếp khách. Khó khăn là vậy, song nhờ chính quyền phối hợp với các đoàn thể, ban tự quản thôn cùng các thầy, cô giáo đi đến từng nhà vận động, giải thích nên tâm lý e ngại của người dân về lớp học “xóa mù chữ” đã không còn nữa".

Dưới sự chỉ dạy nhiệt tình của giáo viên, các học viên đã dần biết đọc, viết được chữ

Ðược biết, nội dung học của lớp xóa mù chữ tương đương với chương trình của bậc tiểu học. Để khuyến khích người dân học chữ, nhà trường và chính quyền địa phương đã miễn học phí, hỗ trợ toàn bộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học viên.  Ngoài ra, để tạo tâm lý thoải mái để học viên tiếp thu bài tốt, sau mỗi giờ giải lao, thầy, cô giáo còn quan tâm trò chuyện, hỏi thăm đời sống của bà con; qua đó tranh thủ tuyên truyền người dân xóa bỏ các hủ tục như nạn tảo hôn, mê tín dị đoan, phát triển kinh tế gia đình…

Anh Phủng Chòi Quang, Trưởng thôn 6, xã Đắk N'Drót cho biết, sở dĩ thôn được gọi là xóm Đạo vì trong thôn có hơn 95% người dân theo đạo. Hiện nay thôn có 240 hộ với hơn 1.200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao vào đây lập nghiệp. Do dân trí thấp cùng với cuộc sống còn nhiều khó khăn trước đây nên hầu hết người dân ít có điều kiện học hành. Từ thực tế đó, thôn đã đề xuất với xã xin huyện tiến hành mở lớp xóa mù chữ cho bà con. Và bắt đầu từ năm 2017 đến nay, xã đã mở được 2 lớp xóa mù chữ, thu hút gần 80 học viên tham gia.

Lớp học xóa mù chữ do Trường tiểu học Hà Huy Tập tổ chức dạy cho người dân ở đây đã được gần 3 tháng. Lớp có 51 học viên, được chia thành 2 lớp học vào buổi tối từ 7 giờ đến 9 giờ các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần. Học viên đều là đồng bào dân tộc Dao, người trẻ nhất cũng 18 tuổi, lớn hơn thì trên 50 tuổi. Họ nắn nót và tập đánh vần từng con chữ, những mong sẽ biết đọc và biết viết như con cháu mình.

Trước đây, nhiều người dân xóm đạo, từ chỗ xa lạ với các "con chữ", từ ngày có "con chữ" về, nhiều người đã biết đọc, biết viết. Biết đọc, biết viết con chữ, bà con đã chủ động công việc hơn trong việc tiếp cận thông tin, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe... Nhiều chị em mạnh dạn, năng động hơn trong kinh doanh, buôn bán nhỏ, trao đổi những sản phẩm hàng hóa và chi tiêu kinh tế gia đình hợp lý...

Có thể nói, việc xóa mù chữ cho người dân xóm đạo thực sự là một thành công và có ý nghĩa nhân văn. Qua đó, giúp người dân xóm đạo tự tin hơn trong cuộc sống, nâng cao trình độ dân trí, vận dụng kiến thức vào lao động sản xuất và cuộc sống

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện xóa mù chữ ở xóm Đạo, xã Đắk N’Drót
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO