Cố gắng làm cho đến khi bà con không cần đến nữa mới thôi!

Vũ Trang| 28/08/2018 10:03

Vượt qua nhiều khó khăn, rào cản, những năm qua, các cô đỡ thôn bản trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Họ chính là những “cánh tay” nối dài của ngành Y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng như sức khỏe ban đầu cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo

Kiên trì vì trách nhiệm với công việc

Gần 10 năm gắn bó với nghề “cô đỡ”, chị Lầu Thị Cự ở thôn 1, xã Đắk Som (Đắk Glong) đã thăm khám, đỡ đẻ, giúp nhiều thai phụ trên địa bàn được “mẹ tròn, con vuông”. Theo chị Cự, trước đây, hầu hết các gia đình trong thôn đều có tập tục sinh đẻ tại nhà và không cho người ngoài đỡ nên dẫn đến nhiều tai biến sản khoa. Năm 2009, ngành Y tế phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức lớp đào tạo cô đỡ thôn bản cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, chị được trạm y tế xã cử đi học.

Cô đỡ Lầu Thị Cự (bên trái) ở thôn 1, xã Đắk Som (Đắk Glong) tư vấn cho phụ nữ trong thôn về các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản

Chị Cự chia sẻ: “Tham gia lớp học, mình mới được biết thêm nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản mà trước đây chưa từng hình dung ra như phát hiện được thai nghén sớm, thai nghén có nguy cơ cao chuyển tuyến, thực hiện đỡ đẻ rơi, đẻ thường trong những trường hợp đặc biệt, phát hiện các trường hợp bất thường ở trẻ, chuyển tuyến sớm, quy trình vô khuẩn…”.

Sau khi tốt nghiệp khóa học, chị Cự nhanh chóng nắm bắt công việc. Chị thường xuyên đến từng nhà để nắm số lượng phụ nữ trong độ sinh đẻ, phụ nữ có thai, từ đó, tuyên truyền, vận động họ thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh đẻ tại cơ sở y tế. Việc thay đổi nhận thức, thói quen của bà con lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Cự cho biết: “Ði vận động mà bà con không tiếp là chuyện rất bình thường, có người nghe mình nói nhưng lại không thực hiện theo. Những lúc ấy, mình cũng thấy buồn và tủi thân lắm. Nhưng vì công việc, vì trách nhiệm được giao, mình luôn tự động viên bản thân phải kiên trì, bền bỉ”.

Đối với nhiều trường hợp sinh đẻ tại nhà, dù gia đình sản phụ không gọi nhưng khi biết, chị vẫn đến giúp đỡ nhiệt tình. Khi được hỏi đã đỡ đẻ bao nhiêu ca rồi, chị Cự không nhớ nổi, nhưng chị vẫn nhớ lần đầu tiên có người trong thôn đến nhờ chị đỡ đẻ.

ADQuảng cáo

Chị Cự kể lại: “Hôm ấy trời mưa to, khi người nhà sản phụ gọi cửa nhờ đến đỡ đẻ, mình nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ đi ngay trong đêm. Trên đường đi, trời thì tối, có mỗi chiếc đèn pin mà đường thì rất trơn, nhiều lần bị ngã nhưng mình vẫn phải cố giữ cho đồ nghề không bị bẩn, bị ướt.  Thật may là mình đã đến kịp và ca đẻ thành công. Nhìn đứa trẻ chào đời khỏe mạnh, mình có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi, gắn bó với nghề”.

Hiện nay, tuy nhận thức của bà con trong thôn đã dần thay đổi nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn còn giữ tập tục sinh đẻ tại nhà. Vì vậy, vừa tuyên truyền, vận động thai phụ đi khám thai, sinh con tại cơ sở y tế, chị Cự vẫn phải làm nhiệm vụ đỡ đẻ tại nhà. Trung bình mỗi năm, chị Cự đỡ đẻ tại nhà cho 9-10 trường hợp. Bên cạnh đó, chị cũng phát hiện nhiều trường hợp nguy cơ cao để chuyển tuyến.   

Khó khăn cũng không từ bỏ công việc

Chị Lương Thị Kim Huyền ở thôn 8, xã Cư K'nia (Cư Jút) cũng đã có thâm niên 13 năm gắn bó với nghề “cô đỡ”. Cũng như các cô đỡ khác trên địa bàn tỉnh, công việc chính của chị Huyền là tham gia các hoạt động quản lý thai sản tại cộng đồng như: Tư vấn, hướng dẫn bà mẹ đi khám thai và quản lý thai; phát hiện sớm các trường hợp thai bất thường, kịp thời hỗ trợ chuyển tuyến trên; đỡ đẻ, hỗ trợ chăm sóc bà mẹ sau sinh tại hộ gia đình và tư vấn kế hoạch hóa gia đình...

Nhớ lại một kỷ niệm khi làm nghề, chị Huyền kể: “Năm 2008, khi mới học xong lớp đào tạo cô đỡ thôn bản nâng cao giai đoạn 2, tôi trở về địa phương. Khi đó, ở trạm y tế xã có một ca đẻ khó, em bé đã chui được đầu ra nhưng không thể xoay người tự nhiên để ra ngoài. Nữ hộ sinh của trạm lúc bấy giờ khá lo sợ vì chưa từng gặp trường hợp nào tương tự nên quay sang bảo tôi xử lý trường hợp này. Tôi cố gắng bình tĩnh nhớ lại những kiến thức đã được học và thực hành. Kết quả, em bé nặng 3,8 kg đã được sinh ra một cách nhẹ nhàng và người mẹ cũng không bị rạch tầng sinh môn”.

Cũng theo chị Huyền, từ ca đỡ đẻ này, chị được bà con trên địa bàn xã biết đến và hết sức tin tưởng. Đến nay, sau 13 năm gắn bó với nghề, chị đã đỡ cho hơn 150 trường hợp. Giai đoạn 2005-2010 là khoảng thời gian chị đỡ được nhiều trường hợp nhất, sau đó, số lượng sản phụ sinh tại địa bàn cũng giảm dần. Tuy nhiên, chị không thấy buồn mà ngược lại thấy rất vui vì công sức tuyên truyền, vận động của mình đã có hiệu quả. Bà con đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đến các cơ sở y tế tuyến trên sinh đẻ cho an toàn.

Hiện nay, công việc chính của chị Huyền là khám thai, quản lý thai, quản lý trẻ dưới 5 tuổi, tiếp tục tư vấn để người dân hiểu về vấn đề sinh đẻ cho an toàn. Chị cũng nhiệt tình tham gia đầy đủ các hoạt động khác tại trạm y tế như tiêm chủng, cho uống Vitamin A, cân trẻ, tư vấn các biện pháp tránh thai... Nói về dự định trong thời gian tới, chị Huyền chia sẻ: “Hiện nay, hoạt động của các cô đỡ gặp không ít khó khăn. Bởi ngoài mức hỗ trợ vài trăm ngàn đồng, các cô đỡ không nhận được một khoản thu nhập nào khác. Thế nhưng, mình vẫn quyết định gắn bó, không từ bỏ công việc này, cố gắng làm cho đến khi bà con không cần đến mình nữa mới thôi...”.

Theo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo được 155 cô đỡ thôn bản, trong đó có 130 cô đỡ đang tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản tại địa phương. Thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ này, các hoạt động quản lý thai sản tại cộng đồng được triển khai sâu rộng, hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cố gắng làm cho đến khi bà con không cần đến nữa mới thôi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO