Cơ sở khuyết tật Hoàng Anh ở xã Nam Dong cần được tiếp sức

Phạm Hoàng Ninh| 07/03/2017 09:22

Cơ sở khuyết tật Hoàng Anh nằm ở thôn Trung tâm, xã Nam Dong (huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông) được cấp phép hoạt động hơn 1 năm nay, người sáng lập là anh Nguyễn Lương Thiện, 28 tuổi.

ADQuảng cáo

Anh Thiện kể: Tôi sinh ra trong một gia đình không có gì gọi là khá giả, song cha mẹ cũng cho ăn học tới nơi, tới chốn. Sau khi lập gia đình riêng tôi làm khá nhiều nghề để mưu sinh, 3 năm trở lại đây mở tiệm in lụa, đánh máy vi tính, chụp ảnh và cho thuê áo cưới. Mặc dù bản thân không có khuyết tật gì nhưng ngay từ lúc còn nhỏ nhìn những người bị dị tật bẩm sinh, người yếu đuối, trẻ em cơ nhỡ tôi rất thương, nên đã ấp ủ một ý tưởng khi có tiền sẽ xây dựng một nơi để họ có công ăn, việc làm không phải đi ăn xin hay phải vất vả trong mưu sinh. Được cái may mắn là tất cả cha mẹ, người thân đều nhiệt tình ủng hộ, vì lẽ đó mà hơn một năm qua tôi đã thuê 2 căn nhà, một làm nơi kinh doanh và một căn dành riêng cho những người khuyết tật tìm đến ở và dạy nghề cho họ với mong muốn cả hiện tại và tương lai tự họ làm ra tiền bạc tự nuôi sống bản thân.

Người khuyết tật tại cơ sở khuyết tật Hoàng Anh đan giỏ tre

Căn nhà rộng khoảng 60m2, anh Thiện được chủ nhà cho thuê với giá 500.000 đồng/tháng, tuy hẹp song nhờ sự khéo léo sắp xếp của anh nên cũng đủ cho 10 người khuyết tật vừa ăn ở, sinh hoạt và làm việc tại đây. Người khuyết tật ở đây chủ yếu là còn trẻ chưa tới 30 tuổi, có 2 người ở ngoài tỉnh, số còn lại là người trong huyện Chư Jút. Hiện tại họ mới chỉ phát triển được nghề là đan giỏ cắm hoa bằng tre bán cho các cơ sở trên TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

ADQuảng cáo

Nói về việc làm này, anh Thiện bộc bạch: Thật sự thì tất cả các em buổi đầu tìm đến đây chưa ai đã có sẵn cái nghề gì nên phải dạy. Nghề đan giỏ này thoạt nhìn thấy đơn giản thật, nhưng dạy những người khuyết tật không dễ chút nào. Nếu là người còn lành lặn cả đôi tay thì họ học nhanh, song ở đây có vài người bàn tay bị co quắp, trước tiên phải tập bằng cách trị liệu cho bàn tay cầm được nan để đan; rồi người mù biết cầm dao để chẻ hoặc vót thanh giỏ, nan giỏ…

Được biết, mỗi chiếc giỏ được bán ra với giá từ 6.000 đến 8.000 đồng, trừ nguyên liệu phải đi mua, rồi công vận chuyển hàng đi bán đã chi phí mất một nửa. Như vậy mỗi sản phẩm chỉ còn lãi 3.000 - 4.000 đồng. Mỗi ngày cơ sở cũng làm được trên dưới 100 cái, nhưng chỉ bán hết hàng vào dịp tết, lễ còn những ngày thường hàng ế.

Theo tính toán của anh Thiện, thì bình quân mỗi tháng cơ sở thu lãi khoảng 5 triệu đồng, nhưng chi phí cho ăn uống, sinh hoạt mỗi người, mỗi tháng ít nhất là 1 triệu, có nghĩa mỗi tháng anh phải bù lỗ 5 triệu đồng nữa, chưa kể tiền điện, nước và các thứ chi xài lặt vặt khác.

Hiện anh Nguyễn Lương Thiện trăn trở về việc phát triển thêm vài nghề nữa, song mặc dù anh đã từng chạy đôn, chạy đáo tìm "đầu ra" cho những sản phẩm đã dự định nhưng kết quả chưa mấy khả quan. Thêm một điều mà vài tháng nay làm anh Thiện lo lắng là không lâu nữa hạn hợp đồng thuê nhà đã hết, người ta không cho thuê nữa thì lấy chỗ nào cho làm mái ấm duy trì hoạt động...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở khuyết tật Hoàng Anh ở xã Nam Dong cần được tiếp sức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO