Đắk Glong, người lao động thuận lợi khi nhận hỗ trợ

18/10/2021 08:54

Triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, huyện Đắk Glong đã khẩn trương hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với phương châm nhanh chóng, kịp thời, chính xác và đơn giản thủ tục.

ADQuảng cáo

Người lao động cảm thấy ấm lòng

Anh Nguyễn Hữu Nhẫn ở thôn 4, xã Quảng Khê (Đắk Glong) làm nghề cắt tóc nhiều năm nay, với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cơ sở của anh Nhẫn dù phải đóng cửa gần 2 tháng nhưng vẫn phải trả đầy đủ tiền thuê mặt bằng.

Thực hiện quy định phải tạm thời đóng cửa các loại hình kinh doanh không thiết yếu nên suốt thời gian đó, anh Nhẫn không có thu nhập. Được xác định là đối tượng được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 và Quyết định số 1261 của UBND tỉnh Đắk Nông, anh Nhẫn cảm thấy rất phấn khởi.

Anh Nguyễn Hữu Nhẫn là một trong số những lao động tự do đầu tiên của huyện Đắk Glong được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68

Anh Nhẫn cho biết, anh cũng là người lao động đầu tiên tại huyện Đắk Glong làm hồ sơ để xin nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Bản thân anh rất bất ngờ khi được cán bộ lao động - xã hội xã Quảng Khê hướng dẫn kê khai và chỉ hơn 1 tuần sau, hồ sơ đã được phê duyệt.

“Thời gian từ khi làm hồ sơ đến khi nhận tiền được rút ngắn. Số tiền không nhiều nhưng tôi cảm thấy được sự quan tâm của chính quyền khi chia sẻ phần nào khó khăn với người lao động do dịch Covid-19”, anh Nhẫn nói.

Tương tự, anh Bùi Xuân Thao, nhân viên của Công ty TNHH Đức Trí Phát Đắk Nông ở thôn 6 (Quảng Khê) cũng là một trong những lao động đầu tiên của huyện Đắk Glong được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68. Trước đó, anh Thao thực hiện cách ly 14 ngày do đi từ vùng dịch trở về. Theo quy định, anh sẽ được nhận hỗ trợ 1.855.000 đồng vì phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và nghỉ việc không lương.

Là lao động tạm nghỉ việc không lương, anh Bùi Xuân Thao được hỗ trợ hơn 1,8 triệu đồng sau thời gian cách ly

Anh Thao chia sẻ: “Thực sự số tiền hỗ trợ rất có ý nghĩa đối với người lao động như tôi. Trong thời điểm dịch bệnh, kinh tế khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước vẫn dành sự quan tâm tới những người lao động khó khăn. Số tiền này đã đỡ đần tôi trang trải một phần chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian cách ly tại nhà”.

ADQuảng cáo

Chính quyền hỗ trợ tối đa

Chị Trịnh Thị Thắng, đại diện Công ty TNHH Đức Trí Phát Đắk Nông nắm bắt được nội dung về gói hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng và văn bản hướng dẫn của Phòng LĐTB-XH huyện, Bảo hiểm xã hội huyện Đắk Glong. Nhận thấy lao động của công ty đủ điều kiện nên chị đã trực tiếp làm hồ sơ để anh Thao được nhận hỗ trợ.

“Dù phải đi một số đơn vị để xin xác nhận nhưng việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ diễn ra nhanh chóng nên chúng tôi cảm thấy rất thoải mái. Nói chung, cả doanh nghiệp và người lao động đều được tạo điều kiện, hoàn toàn không mất thời gian hay thủ tục phức tạp gì”, chị Thắng chia sẻ.

Xã Đắk Som (Đắk Glong) huy động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Đắk Glong cho biết, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, người lao động và người sử dụng lao động rất vui khi thực hiện hồ sơ nhận trợ cấp. Để bảo đảm công tác hỗ trợ đúng tiến độ, đúng đối tượng, đơn vị xác định phương châm là có đối tượng nào giải quyết ngay đối tượng đó để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Đắk Glong đã có một số đối tượng được nhận gói hỗ trợ, chủ yếu là lao động không có giao kết hợp đồng và các trường hợp cách ly y tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian tới, Phòng LĐTB-XH tiếp tục rà soát, hỗ trợ các đối tượng theo quy định của Nghị quyết 68 để chính sách sớm đến được tay người khó khăn.

Thông tin thêm về quá trình triển khai Nghị quyết 68, ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan. Hiện nay, các đối tượng khó khăn của huyện đã nhận được khoảng 100 triệu đồng. Kết quả đạt được đã góp phần vào công tác an sinh, ổn định người dân do ảnh hưởng từ đại dịch.

UBND huyện cũng đặc biệt lưu ý các địa phương, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, phải bảo đảm tiến độ, trên tinh thần khẩn trương, chính xác và minh bạch.

“Tinh thần chung là không để ai bị bỏ lại phía sau, nếu đối tượng nào chưa đủ điều kiện hưởng theo Nghị quyết 68, nhưng hoàn cảnh khó khăn thì huyện Đắk Glong vận động, kêu gọi xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức trên địa bàn chung tay hỗ trợ. Một số trường hợp đặc biệt, UBND huyện chỉ đạo Phòng LĐTB-XH ứng trước từ nguồn bảo đảm xã hội để kịp thời giúp đỡ người khó khăn, yếu thế, từ đó tạo tâm lý yên tâm cho người dân”, ông Phương cho hay.

Cách tra cứu hỗ trợ thất nghiệp theo Nghị quyết 116 bằng Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam trên điện thoại:

http://baodaknong.org.vn/hoi-dap-ve-dich-covid-19/cach-tra-cuu-ho-tro-that-nghiep-theo-nghi-quyet-116-bang-cong-dich-vu-cong-bhxh-viet-nam-tren-dien-thoai-89682.html

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong, người lao động thuận lợi khi nhận hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO