Đắk Glong nỗ lực cho mục tiêu giảm nghèo bền vững

Nguyễn Hiền| 02/06/2020 10:12

Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được Đảng bộ, chính quyền huyện Đắk Glong (Đắk Nông) xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng năm, nên việc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo về cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giảm nghèo, huyện vẫn cần có những bước đi phù hợp nhằm giảm nghèo bền vững.

ADQuảng cáo

Nhiều hộ được hưởng lợi

Hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đắk Glong đã có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình. Gia đình ông K’Tang ở xã Đắk P'lao là một điển hình, năm 2018 được hỗ trợ vay vốn sản xuất 50 triệu đồng.

Ông K’Tang chia sẻ: “Trước đây, gia đình không có vốn đầu tư nên cà phê trồng lên rồi hầu như đợi may rủi để thu hoạch thôi. Từ khi có vốn vay, gia đình kịp thời mua phân bón nên vườn cây được cải thiện và năng suất tăng hẳn. Từ chỗ có thu hoạch, có nguồn đầu tư trở lại hàng năm, gia đình cũng bớt khó khăn hơn”. Vợ K’Tang là H’Giàng phấn khởi khoe: “Bây giờ nhà mình đã có 3 ha cà phê, xe máy cày đã có hai cái”.

Gia đình ông K'Liêu từ chỗ được hỗ trợ 3 con bò nay đàn bò tăng lên 9 con

Gia đình ông K’Liêu ở thôn 10, xã Quảng Khê cũng là một trong những hộ phát huy hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Ông được cấp 3 con bò, trong đó có 1 con của chương trình giảm nghèo bền vững. Từ 3 con bò được cấp, đến nay gia đình ông đã có đàn bò 9 con. Nhận thấy đây là hướng có thể phát triển kinh tế bền vững, nên hiện nay gia đình ông chú trọng nhân rộng đàn bò.

Không chỉ 2 hộ trên mà trên địa bàn huyện có hàng trăm hộ được hưởng lợi từ Chương trình giảm nghèo bền vững ở tất cả các lĩnh vực khác như đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ về y tế, giáo dục...

Tỷ lệ hộ nghèo giảm

Đắk Glong hiện có trên 16.700 hộ với trên 73.800 khẩu; trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 55%. Đây là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo nhiều nhất tỉnh. Hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng thực hiện các hạng mục. Ngoài ra, huyện cũng đã huy động và lồng ghép các nguồn lực thực hiện Chương trình giảm nghèo theo tinh thần các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành.

Trường mầm non Hoa Sen ở xã Đắk P'lao được xây dựng 2 phòng học theo Chương trình giảm nghèo bền vững

ADQuảng cáo

Theo báo cáo của UBND huyện, riêng Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư về hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn, toàn huyện đã được phê duyệt và giải ngân trên 33,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện được đầu tư xây mới 66 công trình, duy tu và bảo dưỡng 8 công trình đường giao thông nông thôn, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa. Các công trình đã góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống về mọi mặt.

Cũng từ Chương trình 135, từ năm 2016-2019, huyện được phê duyệt trên 8,5 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, hưởng lợi từ Chương trình 30a, huyện cũng được đầu tư xây dựng thêm 14 công trình với kinh phí trên 18,2 tỷ đồng; 1.372 hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất với trên 6 tỷ đồng; 138 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ tham gia các mô hình giảm nghèo…

Vẫn còn "mạnh ai nấy làm"

Qua giám sát mới đây, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đánh giá cao những kết quả mà huyện đạt được nhưng cũng cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Điển hình như việc triển khai các chương trình giảm nghèo hiện nay vẫn còn “mạnh ai nấy làm”, nghĩa là chưa có sự phối hợp, lồng ghép hiệu quả giữa các chương trình, dự án.

Các chương trình đầu tư cho giảm nghèo còn dàn trải, thiếu tập trung. Một số công trình thủy lợi, hồ đập phục vụ nhu cầu tưới chưa được đầu tư đúng mức, quy mô còn nhỏ. Nhiều công trình đã được xây dựng nhưng hiệu quả kém hoặc không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn, nhất là các công trình vệ sinh, nước sạch, nhà văn hóa cộng đồng...

Nhà văn hóa cộng đồng thôn 5, xã Đắk P'lao đầu tư xây dựng năm 2015 đến nay đã xuống cấp

Bà Hồ Thị Nghĩa, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chỉ ra rằng, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng chưa thật sự bền vững. Một trong những bất cập có thể nhận thấy là tỷ lệ thoát nghèo và số hộ thoát nghèo dù đạt và vượt kế hoạch được giao nhưng số lượng hộ nghèo và cận nghèo có sự biến động năm sau cao hơn năm trước. Điển hình, năm 2016 số hộ cận nghèo có 267 hộ thì năm 2017 tăng lên 516 hộ và đến năm 2018 lại tăng lên 627 hộ. Điều này đồng nghĩa với việc giảm nghèo chưa thật sự bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm hàng năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh và huyện đề ra. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2016, toàn huyện có 9.229 hộ nghèo, chiếm trên 62% tổng số hộ của huyện. Đến cuối năm 2019 huyện còn 6.846 hộ, chiếm 40,9%. Như vậy, cả giai đoạn huyện giảm được 2.383 hộ nghèo, bình quân hàng năm giảm 5,32%.

Trên cơ sở giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, đây là giai đoạn nước rút hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình giảm nghèo bền vững 2016-2020. Vì vậy, huyện cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ các chương trình, dự án đã triển khai và phân tích rõ hơn các nguyên nhân khách quan, chủ quan để tập trung khắc phục, phấn đấu hoàn thành một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ dân được hưởng lợi, từng bước thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Việc đánh giá, rút kinh nghiệm cũng là một trong những việc làm cần thiết để triển khai thực hiện hiệu quả hơn công tác giảm nghèo các giai đoạn sau.       

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong nỗ lực cho mục tiêu giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO