Đắk Nông cần có nguyên tắc và tiêu chí đặt tên đường phố

Vũ Hà| 29/10/2018 10:35

Tên đường/phố được phân theo 5 nhóm: Tên sự kiện lịch sử, tên địa danh, tên danh nhân, tên danh từ tiêu biểu và tên di tích. Tên đường/phố rất cần thiết để phân biệt không gian đô thị, phân biệt đường/phố này với đường/phố khác, phân biệt công trình công cộng này với công trình công cộng khác.

ADQuảng cáo

Tên đường/phố là địa chỉ để xác định các giao dịch hành chính, kinh tế như cấp sổ hộ khẩu, xin cấp phép xây dựng, quản lý trật tự trị an, xác định giá đất đô thị, thu thuế nhà đất và hàng loạt các giao dịch dân sự khác. Tên đường/phố và công trình công cộng còn có giá trị về văn hóa và tình cảm sâu đậm đối với mọi người sống trong không gian ấy.

Tuyến đường 23/3 thị xã Gia Nghĩa. Ảnh: Mai Anh

Thời gian qua, việc đặt tên đường/phố ở tỉnh ta (thị xã, thị trấn) nhìn chung là tốt, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi một số hạn chế (không phổ biến) như: Đường/phố được đặt tên nhân vật lịch sử thời kỳ cách mạng quá nhiều khi so sánh với các danh nhân từ các triều đại trước; tên danh nhân có công trạng, tầm ảnh hưởng lớn đặt ở những tuyến đường/phố có quy mô nhỏ, trong khi những danh nhân địa phương thì được đặt ở những tuyến đường/phố quy mô lớn; thiếu tính quy hoạch trong việc đặt tên đường/phố, vẫn tình trạng bị động, “mở đường đến đâu, đặt tên đến đấy”; khu nào đặt tên danh nhân văn hóa, khu nào đặt tên nhân vật lịch sử vẫn chưa thể hiện phù hợp; trùng lặp số nhà trên cùng một tuyến đường/phố; chưa thống nhất trong cách đánh số thứ tự bên chẵn, bên lẻ,...

Trong khi đó, các văn bản hiện tại của Nhà nước mang tính chất định tính mà chưa có tiêu chí cụ thể về tuyến đường, tuyến phố từ độ dài, rộng. Các văn bản pháp quy cũng chưa hướng dẫn cụ thể khoảng cách, độ dài của đường/ phố bao xa thì được cho là quá dài, phân đoạn thế nào để đặt tên cho hợp lý. Hay thế nào là danh nhân có đóng góp to lớn cho địa phương, nó được thể hiện ở những hoạt động nào, mức độ ảnh hưởng ra sao cũng chưa được định tính… Do đó, để việc đặt tên đường/phố nhất thiết phải căn cứ trên nguyên tắc và tiêu chí rõ ràng, khoa học.

ADQuảng cáo

Về nguyên tắc lựa chọn, sắp xếp đặt tên đường/phố, cần căn cứ vào quy mô, vị trí của đường/phố để đặt tên cho xứng với tầm vóc của danh nhân, sự kiện. Không đặt tên đường/phố bằng các tên gọi khác nhau của một danh nhân trên cùng địa bàn. Tên sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng hoặc danh nhân lớn nhưng quy mô đường/phố chưa đủ tầm thì để dành đợt sau. Sắp xếp theo nhóm, loại hình, theo niên đại: nhân vật liên quan với nhau, cùng lĩnh vực hoạt động, cùng thời đại thì tập trung một khu vực. Ưu tiên đặt tên danh nhân cho đường/phố trên địa bàn nơi sinh ra danh nhân đó. Hạn chế việc thay đổi tên đường/phố, trừ trường hợp thật cần thiết để tránh gây phiền phức, tốn kém kinh phí.

Việc đặt mới tên đường/phố, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh phải gắn với quy hoạch phát triển đô thị, mang tính khoa học, lịch sử, văn hóa, ổn định lâu dài và  thuận lợi. Tên nhân vật, sự kiện, địa danh được chọn lựa đặt tên đường/phố, công trình công cộng phải thực sự tiêu biểu, rõ ràng. Dựa vào tầm cỡ, công lao và sự nghiệp của các danh nhân, quy mô, cấp độ, vị trí của đường/phố và công trình công cộng để đặt tên gọi cho phù hợp, tương xứng theo phân nhóm đường, nhóm công trình công cộng.  

Theo đó, cũng cần có tiêu chí cụ thể cho việc đặt tên đường/phố nhằm xây dựng một hệ thống địa danh và hành chính mang tính hệ thống, đồng bộ, đáp ứng tiêu chí khoa học, văn minh, bền vững, thể hiện sự tôn vinh các giá trị truyền thống và phù hợp với xu hướng phát triển của một đô thị hiện đại. Tiêu chí này phải phân được các cấp độ. Cùng với việc phân loại danh nhân là bảng phân loại về đường/phố, dựa trên các tiêu chí về cảnh quan, môi trường, vị trí địa lý, quy mô đường/phố; chú ý tới quan hệ giữa địa danh hành chính và tên gọi đường/phố. Đường/phố quá dài, đường liên xã, phường, thị trấn có thể phân ra từng đoạn để đặt tên. Khi đường/phố bị ngắt khúc bởi các giao lộ hoặc vòng xoay thì đoạn kế tiếp phải đặt tên khác. Tên đường giao thông nông thôn thì ưu tiên lấy tên địa danh của vùng đất đó.

Là cơ quan chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề đặt tên đường/phố, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần xây dựng cơ sở dữ liệu số, bao gồm: Ngân hàng tên, hiện trạng kèm ảnh các tuyến đường, phố, đã đặt tên… giúp cho các địa phương dễ dàng lựa chọn tên để đặt, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan trong việc quản lý đô thị, giúp cho người dân và du khách có thể tra cứu online để biết vị trí các tuyến đường/phố, công trình công cộng trong tỉnh. Mặt khác, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch còn là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về đặt tên, đổi tên đường/phố, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn cụ thể đối với các địa phương trong việc đánh số nhà, ngõ (hẻm) bảo đảm khoa học, đúng quy định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông cần có nguyên tắc và tiêu chí đặt tên đường phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO