Đánh thức tiềm năng khởi nghiệp, kinh doanh thổ cẩm

Hoàng Hoài - Vũ Trang| 27/03/2019 09:51

Hiện nay, tại các tỉnh, thành trong cả nước, nhiều người đã lựa chọn thổ cẩm để khởi nghiệp, kinh doanh, không chỉ góp phần lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn quảng bá, giới thiệu nét đặc trưng của mỗi dân tộc, vùng miền đến với du khách gần xa.

ADQuảng cáo

Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số thi dệt thổ cẩm tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần I tại thị xã Gia Nghĩa. Ảnh: Hồ Mai

Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Đắk Nông vào tháng 1/2019, gian hàng thổ cẩm của nghệ nhân Hà Thị Dung đến từ tỉnh Thanh Hóa trưng bày nhiều sản phẩm khác nhau được làm từ chất liệu thổ cẩm của dân tộc Thái như vải dệt, khăn piêu, khăn bàn… Những ngày diễn ra Lễ hội, rất nhiều du khách tìm đến gian hàng của bà Dung để mua khăn piêu làm quà tặng người thân, thậm chí có người còn mua 5-7 chiến khăn piêu.

Được biết, bà Dung “bén duyên” với nghề dệt, may và các mặt hàng thổ cẩm của dân tộc mình từ nhỏ. Quê của bà là huyện Bá Thước cũng có khu du lịch, nắm bắt tâm lý của du khách thường muốn mua quà kỷ niệm mang đậm dấu ấn nơi mình đặt chân đến cho bạn bè, người thân, nên bà đã chọn lựa bán các mặt hàng thổ cẩm để phát triển kinh tế.

Nhiều năm gắn bó, bà Dung nhận thấy du khách rất yêu thích các sản phẩm làm từ chất liệu thổ cẩm, có hoa văn đẹp, nhất là những sản phẩm có giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền. Và điều đáng nói, bà Dung cũng ấp ủ một ngày không xa, bà sẽ vào Đắk Nông hoặc phối hợp để mở một gian hàng chuyên bán các sản phẩm thổ cẩm dân tộc Thái để vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn, nét đẹp văn hóa thổ cẩm của dân tộc mình.

ADQuảng cáo

Tương tự, nghệ nhân Đạt Thị Nam, dân tộc Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận xuất thân từ gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm lâu đời. Bà cũng chia sẻ, để dệt được tấm vải đòi hỏi công phu, nhất là cần có thị trường tiêu thụ. Vì vậy, bà làm ra những sản phẩm như túi xách, ba lô, ví cầm tay, đồ lưu niệm… với giá cả phải chăng phục vụ nhu cầu, sở thích của nhiều đối tượng khác nhau, nhất là du khách khi đến địa phương. Đến nay, “tiếng lành đồn xa”, hầu hết các sản phẩm thổ cẩm của gia đình bà làm ra không chỉ bán lưu niệm ở các điểm du lịch mà còn được bán tại các khu chợ. Nhờ vậy, thổ cẩm không chỉ là nghề để nuôi sống gia đình mà hơn trên hết nó tồn tại và được nhiều người biết đến.

Tại Hội thảo khoa học Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam, TS. Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng cũng cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để thổ cẩm phát triển là cần phải gắn với xây dựng sản phẩm du lịch. Các khu du lịch chính là nơi thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nên đây chính là cách quảng bá, đưa thổ cẩm đến gần với du khách và mang tính ứng dụng cao. Việc lựa chọn thổ cẩm để khởi nghiệp cũng là việc cần thiết, nhất là những thổ cẩm mang tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, để thổ cẩm mang tính ứng dụng cao và sống được với nó thì cũng cần phải sáng tạo những sản phẩm mang tính đặc thù, nét đặc trưng riêng, mang hồn cốt của mỗi dân tộc mà ai nhìn vào cũng nhận ra nét riêng ấy. Sản phẩm thổ cẩm ứng dụng để được du khách đón nhận cần phải phù hợp, đa dạng chủng loại từ quần áo, túi xách, ví, hộp đựng bút cho đến các quà lưu niệm.

Cũng liên quan đến khởi nghiệp từ thổ cẩm, phát biểu tại Lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, làm sao từ nay về sau, những quà tặng của Thủ tướng đối với các nhà lãnh đạo quốc tế trong những chuyến công du có sản phẩm thổ cẩm của đồng bào ta, trong đó có đồng bào Đắk Nông làm ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành thời trang, dệt may, hàng tiêu dùng cần hợp tác với các địa phương có thế mạnh về thổ cẩm, các doanh nghiệp có liên quan…cùng nghiên cứu cách tiếp cận, đưa chất liệu thổ cẩm vào các quy trình sản xuất những sản phẩm cao cấp như áo, quần, túi xách, các đồ thời trang khác. Chính phủ kêu gọi tinh thần khởi nghiệp trong đồng bào, đặc biệt là thanh niên trong việc đánh thức tiềm năng kinh doanh thổ cẩm.

Đắk Nông là tỉnh có nhiều điểm du lịch và ngày càng có nhiều du khách đến tham quan. Thế nhưng, hiện nay, gian hàng để bày bán các sản phẩm liên quan đến thổ cẩm của các dân tộc thiểu số của tỉnh còn ít. Do đó, việc khuyến khích, động viên các nghệ nhân, người dân, nhất là thanh niên lựa chọn khởi nghiệp bằng các sản phẩm làm từ chất liệu thổ cẩm là rất cần thiết. Qua đó không chỉ góp phần lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, quảng bá nét đẹp văn hóa của các dân tộc, mà còn góp phần phát triển sinh kế của nhiều người.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức tiềm năng khởi nghiệp, kinh doanh thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO