Đất nước hòa bình, thống nhất, cuộc sống người dân Gia Nghĩa ngày càng ấm no, hạnh phúc!

Hoàng Thanh| 24/03/2020 09:56

Ở TP. Gia Nghĩa hiện nay, còn khá nhiều người dân từng chứng kiến ngày Gia Nghĩa được giải phóng (23/3/1975) cũng như bao sự đổi thay của vùng quê thân thương này. Ông Vũ Quang Phục (SN 1948) ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) là một trong những người như vậy.

ADQuảng cáo

Theo lời ông Phục kể, năm 1960 khi mới 12 tuổi, ông cùng gia đình từ Bến Tre lên Gia Nghĩa lập nghiệp.  Thời bấy giờ Gia Nghĩa còn hoang vu lắm, nhà ông ở ngay gần cầu Đắk Nông cũ bây giờ, xung quanh là cây rừng to đến cả hai người ôm không xuể. Nơi đâu cùng là rừng già rậm rạp nên khi màn đêm buông xuống không ai dám ra khỏi nhà.

Những ngày tháng 3, ông Phục lại nhớ về một thời gian khổ chiến tranh, loạn lạc

Năm 1968, khi vừa tròn 20 tuổi, ông bị chế độ cũ bắt đi quân dịch, đóng quân tại Nhân Cơ. Trong một lần đụng độ với quân giải phóng, ông bị thương rất nặng, phải nằm viện điều trị hàng tháng trời, sau đó được ra quân. Trở về nhà, ông Phục mừng lắm vì mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều bạn bè đồng trang lứa, đi lính và vĩnh viễn không quay về.

Về nhà được vài tháng thì bố mất, là trụ cột trong gia đình nên ông Phục vừa làm rẫy vừa nối nghề thợ mộc của bố để nuôi mẹ và đàn em nhỏ. Đến đầu năm 1975, cuộc sống của người dân Gia Nghĩa có nhiều xáo trộn, nhất là đầu tháng 3. Hằng ngày, tần suất xuất hiện của nhiều sắc phục lính dồn về Gia Nghĩa nhiều hơn, sân bay thì có rất nhiều trực thăng lên xuống.

ADQuảng cáo

Ông Phục nhớ lại: “Đã từng đi lính nên tôi hiểu sắp có chuyện gì đó xảy ra, hơn nữa những gia đình ở gần nhà tôi có chồng là sỹ quan chế độ cũ đã gói gém đồ đạc đi đâu không rõ. Đến ngày 21/3/1975, người dân chúng tôi được thông báo quân giải phóng  chuẩn bị tấn công Gia Nghĩa và chính quyền cũ buộc người dân phải di tản. Thực sự tôi rất hoang mang vì họ phao tin rằng quân giải phóng vào sẽ “trả thù, tắm máu” nên sợ hãi lắm, nhất là bản thân đã có thời gian cầm súng chống lại đồng bào mình. Ngày 22/3/1975, hàng trăm hộ dân tại địa bàn bị buộc di tản qua Lâm Đồng”.

Theo lời kể của ông Phục, thời điểm đó, người dân thật sự hoang mang và chuyến di tản sang Lâm Đồng để lại nhiều ký ức buồn. Lúc bấy giờ, do bị hối thúc nên người dân không chuẩn bị được gì nhiều chỉ nhằm hướng Lâm Đồng mà đi bộ sang. Dọc đường đi, bà con phải chịu cảnh đói khát, khổ không kể xiết. Ông Phục cùng gia đình và các hộ dân đến sông Đồng Nai thì bị binh lính chặn đường báo rằng có quân giải phóng phía trước, phải đi vòng đường khác để vượt sông. Nhiều người trốn sự giám sát của binh lính tìm cách quay trở lại Gia Nghĩa. Trong chuyến di tản đầy nỗi lo, trắc trở ấy, nhiều người đã bị lạc mất con, nhiều trường hợp không tìm lại được, để lại nhiều hệ lụy. Riêng ông Phục và gia đình của mình qua đến đất Lâm Đồng, thấy ngôi nhà nào vắng chủ là vào tá túc, bởi dân bên đó cũng bị bắt di tản. Mãi đến nửa tháng sau, ông cùng gia đình mới có thể quay trở lại Gia Nghĩa.

Khác với suy nghĩ trước đo, lúc quay về, ông Phục thấy Gia Nghĩa vẫn còn nguyên vẹn, người dân vẫn được cung cấp điện thắp sáng. Nhà ông có một tốp bộ đội ở, khi gia đình ông về thì được bộ đội trả lại nhà và còn giúp đỡ rất nhiều.

Ông Phục nhớ lại: “Nhà tôi có khoảng 1 tiểu đội bộ đội ở, hầu hết còn trẻ và nói giọng miền Bắc. Các chú tuyên truyền cho chúng tôi hiểu rằng những gì chế độ cũ phao tin là bịa đặt, quân giải phóng và cách mạng chỉ chiến đấu để thống nhất đất nước, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân, đối với binh lính của chế độ cũ cũng được khoan hồng. Không những vậy, những ngày khó khăn sau giải phóng, bộ đội còn phát lương thực, thực phẩm cho người dân để vượt qua khó khăn ban đầu. Nhiều đơn vị bộ đội đóng quân tại địa bàn còn nhường cơm, xẻ áo, dọn dẹp nhà cửa, giúp người dân.

Ông Phục tâm sự rằng, có sống trong chiến tranh loạn lạc mới thấu hiểu hết giá trị của hòa bình, thống nhất. Đã từng chứng kiến bao thăng trầm của vùng đất Gia Nghĩa, ông Phục vui mừng: “Bản thân tôi thật sự không nghĩ Gia Nghĩa có được ngày hôm nay. Từ một vùng đất xa xôi, khó khăn cách trở, TP. Gia Nghĩa hôm nay đã trở thành một đô thị sầm uất, cuộc sống của người dân khởi sắc từng ngày, có nhiều cơ hội để làm ăn, ấm no, hạnh phúc. Tôi luôn nghĩ rằng, đời con, đời cháu mình sẽ mãi mãi được sống trong khung cảnh đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất, có nhiều điều kiện vươn lên trong cuộc sống, chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất nước hòa bình, thống nhất, cuộc sống người dân Gia Nghĩa ngày càng ấm no, hạnh phúc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO