Đau lòng tai nạn thương tích trẻ em

Tường Mạnh| 18/10/2017 10:41

Theo báo cáo số 540/BC-UBND mới đây của UBND tỉnh Đắk Nông gửi Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh-Xã hội), tình hình tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em trên địa bàn tỉnh trong 2 năm gần đây vẫn diễn ra hết sức phức tạp, với nhiều vụ việc hết sức thương tâm, đau lòng.

ADQuảng cáo

Thực tế, trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, các ngành chức năng, địa phương cũng đã triển khai công tác phòng, chống TNTT ở trẻ em, với nhiều hoạt động cụ thể. Cùng với đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT, các địa phương đã triển khai xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn phòng, chống TNTT trẻ em. Công tác phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ, tai nạn đuối nước cho trẻ em cũng được triển khai khá tích cực.

Điển hình, nhằm trang bị kỹ năng bơi, an toàn dưới nước, ngành chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em trong dịp hè cũng như triển khai lắp đặt hàng trăm biển báo cảnh báo nguy hiểm tại các ao, hồ, đập. Trên 17.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cũng được cấp phát đến các trường học trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù tỉnh, các ngành chức năng đã tích cực chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống TNTT, nhưng thực tế vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn. Đặc biệt, công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em còn nhiều hạn chế, vẫn luôn là vấn đề xã hội hết sức quan tâm. Bởi vì, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh vẫn có đến 30 trẻ em tử vòng do tai nạn đuối nước.

ADQuảng cáo

Trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 451 vụ TNTT trẻ em, làm 38 em tử vong. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh cũng xảy ra 185 vụ TNTT trẻ em, làm 28 em tử vong; trong đó, có 23 em tử vong do đuối nước (chiếm 82,1%) và 170 em bị thương, cũng tập trung chủ yếu ở trẻ em nam với 132/198 em, ở lứa tuổi từ 6-16 tuổi. Dẫn đầu các vụ TNTN trẻ em là té ngã, tiếp đến là tai nạn giao thông và đuối nước.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống TNTT trẻ em cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng chưa thường xuyên, sâu rộng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống TNTT trẻ em chưa được quan tâm đúng mức cả về nhân lực và kinh phí, nên chưa thể thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng tránh TNTT trẻ em. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, thôn, bon hiện vẫn chưa có chế độ phụ cấp hàng tháng nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống TNTT trẻ em ở cơ sở.

Các công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em của tỉnh còn rất ít so với nhu cầu thực tế (5 điểm vui chơi tập trung tại 3 huyện, thị xã). Trẻ em thiếu sân chơi lành mạnh, an toàn là một trong những nguyên nhân dẫn đến TNTT. Các công ty, doanh nghiệp, cá nhân quản lý, sử dụng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, kinh doanh chưa chú trọng đến công tác cảnh báo về phòng, chống TNTT, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNTT, dẫn đến tử vong. Việc tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em gặp khó khăn do hồ bơi đạt tiêu chuẩn còn ít (toàn tỉnh chỉ mới có 5 hồ bơi đạt chuẩn)…

Thực tế trên đang đặt ra cho tỉnh nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng TNTT đối với trẻ em. Trong bối cảnh tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống TNTT trẻ em nói riêng chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, cùng với đề nghị Trung ương hỗ trợ, tỉnh ta kêu gọi cộng đồng xã hội cần chung tay, góp sức, vào cuộc, cùng với các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống TNTT trẻ em, tạo cho trẻ em có môi trường sống lành mạnh, an toàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đau lòng tai nạn thương tích trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO