Dạy nghề bằng niềm đam mê, sáng tạo

Thanh Nga| 23/01/2018 09:28

Sáu năm “bén duyên” với Khoa Cơ khí - Tin học của Trường Trung cấp nghề Đắk Nông, với niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Thanh Thuận đã sáng chế ra những thiết bị hữu ích phục vụ cho việc dạy nghề.

ADQuảng cáo

Thầy giáo Nguyễn Thanh Thuận (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn học viên thực hành trên thiết bị Máy uốn thép định hình do mình thiết kế

Cho “ra lò” nhiều thiết bị hữu ích

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ chế tạo máy Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, chàng trai trẻ Thanh Thuận đi làm tại các công ty sửa chữa ô tô, sau đó về đầu quân cho Trường Trung cấp nghề Đắk Nông. Sáu năm đứng trên bục giảng, thầy giáo trẻ Thanh Thuận luôn trăn trở phải làm sao để truyền đạt kiến thức khô khan của ngành cơ khí cho học viên trường nghề “dễ thấm” nhất. Bởi, đây là những kiến thức học viên cần được thực hành nhiều nhưng nhà trường còn thiếu thốn về trang thiết bị. Một ngành cần phải “lấm lem” dầu, mỡ mà học viên chỉ học trên lý thuyết, sách vở thì chẳng khác nào “cưỡi ngựa, xem hoa”. Nghĩ vậy, thầy giáo Thuận đã tìm tòi, nghiên cứu và sáng chế ra những thiết bị phục vụ việc dạy nghề thực tế và sinh động hơn.

Nghĩ đi đôi với làm, thầy giáo Thuận đã cho “ra lò” 2 thiết bị không những phục vụ việc dạy nghề tại trường mà còn đạt giải cao khi tham gia các hội thi. Năm 2013, sản phẩm “Bàn thực hành hàn đa năng” của thầy Thuận đạt giải nhì cấp trường và đạt giải ba tại Hội thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh. Tháng 10/2017 vừa qua, thiết bị “Máy uốn thép định hình” của thầy được nhà trường giới thiệu tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc tại Cần Thơ và đạt giải khuyến khích.

Thầy Thuận chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã thích mày mò, nghiên cứu các thiết bị về cơ khí nên đã học ngành ô tô ở Trường Cao đẳng Giao thông-Vận tải 2 và sau đó liên thông lên đại học. Chính những năm theo học tại các giảng đường đã trang bị cho tôi những kiến thức chuyên sâu về ngành cơ khí. Thời gian làm việc tại các công ty sửa chữa ô tô cũng đem lại cho tôi nhiều kinh nghiệm quý giá trong giảng dạy và thiết kế ra các thiết bị phục vụ dạy học hiện nay. Tình yêu và niềm đam mê nghiên cứu, chế tạo các thiết bị dạy nghề của tôi bắt nguồn từ đó”.

ADQuảng cáo

Chia sẻ về ý tưởng làm thiết bị “Máy uốn thép định hình”, thầy Thuận cho biết: “Khi giảng dạy liên quan đến các môđun thực hành nguội cơ bản và môđun gia công các chi tiết có sự hỗ trợ của máy thì nhà trường chưa có thiết bị tương ứng. Trong khi đó, đây là những kiến thức, kỹ năng quan trọng đối với học viên học nghề, nhất là cần được tiếp cận thực tế phương pháp uốn các loại thép đúng yêu cầu kỹ thuật. Từ những yêu cầu đó, tôi đã nảy sinh và thiết kế “Máy uốn thép định hình” với mục đích phục vụ giảng dạy là chính”.

Nhờ có Bàn thực hành hàn đa năng do thầy Thuận thiết kế, học viên có điều kiện thực hành, nắm sâu kỹ thuật

Truyền cho học viên niềm đam mê học tập

Sau khi thiết bị “Máy uốn thép định hình” của thầy Thuận hoàn thành, Trường Trung cấp nghề Đắk Nông đã áp dụng vào giảng dạy về môđun các thiết bị nguội sửa chữa, hàn, công nghệ ô tô, điện… Nói về công dụng thiết bị do mình thiết kế, thầy giáo Thuận vui vẻ: “Điểm đặc biệt của máy đó là uốn được nhiều loại thép có kích thước nhỏ với loại hình khác nhau như là hộp, tròn, vuông, thép tấm. Từ khi máy được đưa vào giảng dạy, học viên thấy được các phương pháp uốn và thực hành trực tiếp ngay trên máy, có thêm các kỹ năng thực tế”.

Đối với thầy Thuận, được làm giáo viên và giảng dạy đúng chuyên môn đào tạo là niềm vui, tiếp thêm tình yêu nghề. Thầy Thuận tâm sự: “Qua thời gian trực tiếp giảng dạy, tôi càng thích nghiên cứu và cập nhật thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới. Với đặc điểm giảng dạy tại trường có đông học viên là dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn thì tôi lại càng trăn trở và thương các em hơn. Nghe các em tâm sự, chia sẻ, tôi biết được có nhiều em thích học nghề để sớm ra đời, lập nghiệp, tìm việc làm phụ giúp gia đình, nên càng thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn. Vì vậy, tôi tiếp tục đem nhiệt huyết và tự nhủ mình phải có thêm nhiều sáng kiến, thiết bị mới để việc dạy học trở nên sinh động, truyền cho các em niềm đam mê học tập và ứng dụng thành công trong cuộc sống, công việc sau này”.

Bên cạnh đó, việc tham gia các cuộc thi sáng tạo cũng giúp thầy Thuận học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm bổ ích để không ngừng nghiên cứu và thiết kế ra các thiết bị phục vụ dạy học. Hiện nay, thầy giáo Thuận đang nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường về lĩnh vực tin học, đó là phần mềm quản lý học sinh. Thầy cũng đang có những ý tưởng thiết kế các thiết bị cơ khí phục vụ cho việc dạy nghề của nhà trường được tốt hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy nghề bằng niềm đam mê, sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO