Dịch vụ xe đưa đón học sinh - Còn lắm nỗi lo (kỳ cuối): Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ

Ngọc Lê – Ngọc Dũng| 26/04/2018 10:56

Khi nhu cầu xã hội nhiều thì việc xuất hiện dịch vụ xe đưa đón học sinh là điều tất yếu. Tuy nhiên, để dịch vụ xe đưa đón học sinh thật sự phát huy hiệu quả, bảo đảm an toàn giao thông, các ngành chức năng cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

ADQuảng cáo

Nhà trường không quản lý học sinh ngoài giờ (?)

Việc sử dụng xe dịch vụ đưa đón học sinh đến trường ngày càng phổ biến, nhưng có rất ít nhà trường quan tâm tới việc đi lại hàng ngày của các em…

Theo ông Trần Duy Hải, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), có khá đông học sinh của trường đang sử dụng dịch vụ xe đưa đón, nếu tính số lượt đi cả sáng và chiều phải gần 200 em. Các nhà xe tự làm việc với người dân để đưa đón học sinh, còn nhà trường không quản lý. Thấy xe cũ kỹ, thiếu an toàn, nhà trường cũng chỉ biết đề nghị lên các ngành chức năng mà thôi.

Tương tự, ông Nguyễn Mậu Tiên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ, xã Nam Bình (Đắk Song) khẳng định: “Phụ huynh và nhà trường không có một mối liên hệ gì về vấn đề đưa đón học sinh cả. Xe có đăng kiểm hay không cũng không thuộc lĩnh vực của nhà trường. Xe họ đậu ở đâu, hay đậu nhờ trước cổng trường là điều hết sức bình thường. Chuyện xe cũ hay xe mới, trường không thể đi sâu vào việc này vì không phải chuyên ngành. Trường cũng không nắm được bao nhiêu em sử dụng dịch vụ xe đưa đón mà chỉ biết đa số các em đều ở xã Thuận Hà đang học tập tại trường”.

Sau khi đón học sinh các trường dọc đường, xe mang BS 48B-000.49 tiếp tục đón thêm trên 20 học sinh ở xã Đắk Wer (Đắk R’lấp)

Qua tìm hiểu, lãnh đạo nhiều trường đều đồng quan điểm cho rằng, các xe đưa đón học sinh chỉ trực tiếp làm việc với các bậc phụ huynh chứ không thông qua nhà trường. Hơn nữa việc xe cũ hay mới, có đủ điều kiện lưu thông hay không phải nhờ đến sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn.

Lộ diện nhiều xe chạy “chui”

Theo danh sách từ Phòng Phương tiện và người lái (Sở Giao thông-Vận tải) cung cấp thì xe được cấp phép đưa đón học sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng trong thực tế con số này lại lớn hơn rất nhiều.

ADQuảng cáo

Ngày 3/4/2018, Phòng Phương tiện người lái cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 xe đưa đón học sinh còn có phù hiệu và 7 xe đã hết phù hiệu. Danh sách 7 xe còn phù hiệu bao gồm: 48K-0076; 48B-001.21; 48B: 005.10; 48B-005.20; 48B-004.17; 48B-000.49; 48B-006.27. Đối chiếu với kết quả thực tế, chúng tôi nhận thấy một số điểm trường ở các huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk R'lấp xuất hiện nhiều xe hết phù hiệu vẫn “vô tư” đưa đón học sinh. Trong danh sách này bao gồm các xe: 48B-000.13; 48B-005.22; 48B-004.06; 48B-003.94… Riêng xe 48B-000.49, sau một thời gian vi phạm thì cũng mới gia hạn phù hiệu.

Lãnh đạo Phòng Phương tiện người lái cho biết, các xe đưa đón học sinh được cấp phù hiệu theo giấy đăng kiểm. Nếu xe hết phù hiệu mà vẫn hoạt động thì cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường phải có trách nhiệm xử lý theo quy định.

Xe khách mang BKS 48B-004.06 chưa được cấp phù hiệu vẫn đưa đón học sinh hàng ngày

Cần thường xuyên kiểm tra

Việc các xe không đăng ký nhưng vẫn chạy “chui” không những không chấp hành theo đúng quy định mà còn gây mất an toàn giao thông.

Trước thực tế trên, các cơ quan chức năng như: Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông cần tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các chủ xe ký cam kết là đi đúng tuyến, đúng giờ, bảo đảm tốc độ, số lượng người… để phát huy tốt nhất các mặt ưu điểm của phương thức vận tải này. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần tổ chức kiểm tra, kiên quyết đình chỉ tất cả các xe không bảo đảm an toàn kỹ thuật để hạn chế nguy cơ dẫn đến mất an toàn và tai nạn giao thông.

Cùng với đó, nhà trường cần phải gắn trách nhiệm của mình trong việc đưa đón học sinh để tránh những nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhà trường cần ký hợp đồng chặt chẽ với các chủ phương tiện, để họ ý thức được trách nhiệm của mình khi xảy ra sự cố, sai phạm, từ đó tạo được niềm tin, thu hút nhiều học sinh sử dụng dịch vụ để đi học, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Đối với cha mẹ học sinh, cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để có được dịch vụ tốt nhất và an toàn cao cho con em mình.

Tại điểm e, Khoản 5, Ðiều 16, Nghị định 46/2016 quy định, phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Ðiều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 1 tháng trở lên. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ xe đưa đón học sinh - Còn lắm nỗi lo (kỳ cuối): Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO