Đoàn kết giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc

Mỹ Hằng| 29/08/2018 10:16

Cũng như các dân tộc anh em khác, đồng bào các dân tộc phía Bắc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông như Tày, Nùng, Mông, Dao, Mường, Thái… có vốn văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, đa dạng, mang nét đặc trưng riêng.

ADQuảng cáo

Trang phục truyền thống của người Dao tại huyện Đắk Mil

Qua thống kê, hiện nay số lượng đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc định cư tại Đắk Nông chỉ đứng sau người Kinh và cao hơn nhiều so với đồng bào tại chỗ. Cùng với đóng góp công sức xây dựng quê hương mới trên nhiều lĩnh vực, đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc đã mang đến vùng đất Đắk Nông nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc như lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật ẩm thực và nghề thủ công...

Vào dịp Tết Nguyên đán, đồng bào ở các địa phương lại nô nức tổ chức các lễ hội truyền thống, mang đậm nét văn hóa của dân tộc, tạo cho không khí các vùng quê thêm phần nhộn nhịp, phấn khởi để bước vào một năm mới an lành, thuận hòa, đầm ấm, no đủ. Có thể nói đến, Lễ hội Lồng tồng của người Tày và Hội thi Chọi bò của người Mông ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong); Hội thi ném còn của người Mông, Thái, Tày ở các xã Cư K'nia, Đắk D’rông (Cư Jút); Lễ Lồng tồng của người Tày, Nùng ở xã Long Sơn (Đắk Mil)…

Tại các lễ hội, đồng bào luôn xúng xính mặc trang phục truyền thống và cùng nhau vui chơi, nhảy múa, hòa cùng các loại nhạc cụ truyền thống. Hầu hết, nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc phía Bắc là nhạc cụ dây, tự thân vang và màng rung. Tại các nơi đồng bào đang sinh sống, các loại nhạc cụ vẫn được gìn giữ và phát huy như đàn Tính của người Tày, Nùng; sáo Mèo của người Mông; Pí lè của người Thái…

Trên cơ sở đó, một số câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian truyền thống được thành lập, trở thành sân chơi bổ ích cho đồng bào, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Điển hình như CLB đàn Tính, hát Then ở các xã Nam Dong, Đắk D’rông (Cư Jút) không chỉ dừng lại ở việc sinh hoạt của các thành viên mà còn mở rộng ra cộng đồng, tạo nét văn hóa độc đáo. Đặc biệt, đàn Tính, hát Then còn được đưa vào trường học dạy cho các em học sinh trong dịp hè…Vì vậy, hiện nay toàn tỉnh có 69 người biết sử dụng đàn Tính, hát Then.

ADQuảng cáo

Bằng tình yêu đối với văn hóa truyền thống của dân tộc, nhiều nghệ nhân đã ra sức truyền dạy lại cho lớp trẻ trên địa bàn. Tiêu biểu như nghệ nhân Nông Thanh Hưu (người Tày) ở xã Nam Dong (Cư Jút) đã có nhiều cống hiến trong việc khôi phục, gìn giữ đàn Tính, hát Then. Ngoài việc sáng tác lời hát Then theo giai điệu truyền thống, ông Hưu còn biết chế tác đàn Tính để cung cấp cho những ai yêu thích. Năm 2015, ông được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và hiện nay đang trong quá trình xét duyệt để phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”...

Nghệ nhân Nông Thanh Hưu chia sẻ: "Dù sinh sinh sống trên vùng đất mới nhưng bà con chúng tôi luôn động viên, cùng nhau đoàn kết, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thấy đàn Tính, hát Then được lớp trẻ tiếp nhận và duy trì ai nấy cũng phấn khởi, tự hào".

Ngoài văn hóa phi vật thể, ẩm thực của các dân tộc phía Bắc, với những đặc trưng riêng cũng đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của các dân tộc trên địa bàn tỉnh như: Mèn mén, thắng cố, rượu ngô của người Mông; thịt gác bếp của người Thái; gà xào gừng của người Dao; rượu gạo của người Mường; lợn quay mắc mật của người Tày… Điều đáng nói, những món ăn đặc trưng hiện không chỉ bó hẹp trong đồng bào các dân tộc phía Bắc mà đã trở thành “tài sản” chung của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên quê hương Đắk Nông.

Bà Lò Thị Đôi ở thôn 7, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) chia sẻ: “Ngày xưa, người Thái di cư vào Đắk Nông hầu như ai cũng mang theo hạt giống các loại rau, gia vị của vùng Tây Bắc vào trồng để chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc. Phụ nữ thì mang theo bộ trang phục truyền thống, chiếc khăn Piêu. Vì vậy, trong những dịp lễ hội, ngày lễ lớn, phụ nữ Thái lại cùng nhau chuẩn bị những món ăn truyền thống đãi khách, thậm chí sẵn sàng truyền "bí quyết” cho bà con các dân tộc khác để cùng nhau thưởng thức, phát triển nó lên”.

Dù vào lập nghiệp, sinh sống ở vùng đất mới, nhưng đồng bào các dân tộc phía Bắc vẫn luôn duy trì và phát triển những giá trị văn hóa độc đáo trên quê hương Đắk Nông. Ngoài việc góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống quý giá thì qua đó, đồng bào còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tình cảm gắn bó cộng đồng, với tâm thức dù ở đâu đi chăng nữa cũng là quê hương, đất nước thân yêu, đều cùng một bọc sinh ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn kết giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO