Độc đáo các sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Đắk Nông

Mỹ Hằng| 20/10/2017 10:23

Tại Hội thi Phụ nữ Đắk Nông “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2017 do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức vào ngày 17/10 mới đây, các thí sinh đã đem đến hội thi những sản phẩm độc đáo được làm từ rác thải sinh hoạt, thể hiện khả năng sáng tạo của phụ nữ Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Túi xách từ khuy nắp lon bia, nước ngọt

Túi xách làm từ khuy nắp lon bia, nước ngọt của chị Trần Thị Huyền Trang ở thôn Nam Sơn, xã Nam Đà (Krông Nô) là sản phẩm tiêu biểu, được mọi người chú ý, yêu thích.

Chị Trần Thị Huyền Trang bên cạnh sản phẩm túi xách bằng khuy lon bia, nước ngọt rất trang nhã

Theo chị Trang, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề “nóng”. Lượng rác thải là vỏ bia, nước ngọt ngày càng tăng và rất khó phân hủy. Tại các buổi sinh hoạt, Chi hội phụ nữ thôn Nam Sơn thường tuyên truyền về việc làm thế nào để phụ nữ tham gia giảm nhẹ thiên tai, rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…Với tính ham học hỏi và năng khiếu sẵn có, chị đã hình thành ý tưởng tận dụng các vật thải từ khuy nắp lon bia, nước ngọt để làm ra những túi xách tiện lợi, vừa có thể sử dụng vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Từ đó, chị đã thu nhặt và tìm đến các vựa ve chai để mua các vỏ lon bia, nước ngọt về phân loại rửa sạch, tháo khuy ra, sắp xếp theo màu sắc. Dụng cụ, nguyên liệu làm túi xách của chị khá đơn giản, gồm khuy lon bia, nước ngọt, kim, chỉ, dây ruy băng, hạt cườm, vải. Bằng niềm đam mê sáng tạo của mình, chị đã cho ra đời những túi xách thật xinh xắn. Sau khi sản phẩm ra đời và được nhiều người biết đến, có rất nhiều chị em gọi điện, đặt hàng của chị. Túi xách của chị làm ra có giá dao động từ 100.000-400.000 đồng.

Chị Trang cho biết: “Với sự phát triển của xã hội ngày nay, việc lựa chọn mua một túi xách ngoài thị trường là việc quá dễ dàng đối với mỗi phụ nữ. Thế nhưng, các loại túi xách tự làm bằng phế liệu “vừa độc vừa lạ” có sức hút riêng của nó. Túi xách bằng khuy nắp lon bia, nước ngọt không chỉ giúp tôi có thêm thu nhập mà còn góp phần vào bảo vệ môi trường, được mọi người chấp nhận, nên rất vui".

Quạt bắt muỗi

Sản phẩm Quạt bắt muỗi của chị Bùi Thị Hoài Thu ở thôn Tân Bình 2, xã Đắk Hòa (Đắk Song) được làm ra từ những vật dụng thừa, không còn dùng nữa của gia đình. Chỉ với 4 cái đĩa VCD, 4 hộp quẹt gas làm chân đỡ, 1 thùng sơn rỗng, 2 cây nến, 1 đoạn dây sạc điện thoại hỏng, 1 mô tơ đồ chơi trẻ em, 1 công tắc và 1 bóng đèn pin là có 1 sản phẩm quạt gió bắt muỗi, được ứng dụng cho công việc bàn giấy vào ban đêm.

ADQuảng cáo

Nguyên lý hoạt động của sản phẩm rất đơn giản, khi bật đèn sáng, muỗi sẽ bay đến, cánh quạt quay sẽ hút muỗi đi vào phía sau màn chắn. Đây là sản phẩm được Ban giám khảo cũng như mọi người đánh giá khá cao.

Chị Thu cho biết: “Tôi thấy việc sử dụng nhang đốt muỗi hay bình xịt muỗi rất có hại cho sức khỏe vì chúng chứa rất nhiều hóa chất độc hại. Chỉ cần có các vật dụng thừa và kết hợp ý tưởng sáng tạo, mọi người cũng có thể làm ra sản phẩm phù hợp với gia đình, vừa tiện lợi, vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe”.

Đủ loại đồ dùng, đồ chơi từ phế liệu

Sản phẩm đồ dùng, đồ chơi từ vật liệu phế thải của Trường mầm non Hoa Hồng (Đắk Mil) cũng thể hiện tư duy, sáng tạo của các cô giáo. Chỉ với các phế liệu thừa như vỏ ốc, lá cây, vỏ hộp, thùng giấy, bình nước, hạt nhãn, chai dầu gội, sữa tắm…, nhưng các cô giáo đã biến chúng thành những đồ dùng dạy học thật xinh xắn, bắt mắt. Những chiếc ly, ấm trà, máy xay sinh tố, giỏ đi chợ, phương tiện giao thông, các con vật... đều được làm từ phế liệu.

Theo cô Nguyễn Thái Kim Uyên, đồ dùng dạy học luôn tạo sự gần gũi và đáp ứng kịp thời nhu cầu học và chơi của trẻ. Ở các trường mầm non thì nhu cầu sử dụng đồ dùng dạy học rất nhiều, nhưng không thể mua được hết vì phải cần có kinh phí. Do đó, tập thể giáo viên của trường luôn tận dụng, sáng tạo các đồ chơi cho các cháu. Các đồ dùng dạy học đầy đủ màu sắc với rất nhiều thể loại nên các cháu rất thích, giáo viên dễ truyền thụ kiến thức hơn nhiều.

Chỉ là các chai nhựa bỏ đi nhưng các chị đã làm nên những sản phẩm thật độc đáo

Thể hiện sự đam mê sáng tạo

Theo bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Trưởng Ban giám khảo Hội thi thì Ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2017 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các chị em trong toàn tỉnh. Mặc dù số lượng sản phẩm chưa nhiều, nhưng mỗi sản phẩm đều thể hiện sự kiên nhẫn, đam mê sáng tạo của chị em trong việc bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng. Cũng chỉ là những rác thải sinh hoạt hết sức bình thường, nhưng với sự tư duy, sáng tạo của mình, chị em đã cho ra những sản phẩm độc đáo, vừa tiết kiệm chi phí, lại thân thiện với môi trường.

Ngoài các sản phẩm làm từ rác thải sinh hoạt, một số sản phẩm sáng tạo từ nghề thủ công truyền thống của các dân tộc bản địa như dệt thổ cẩm của người Ê đê ở huyện Chư Jút, nghề làm đàn tính của huyện Krông Nô, trồng nấm ở thị xã Gia Nghĩa, chăn nuôi heo trên nền nệm lót sinh học của huyện Đắk Mil cũng được mang đến tham dự hội thi. Ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2017 chính là dịp tôn vinh những sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của phụ nữ. Qua đó, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, sự tham gia đóng góp của phụ nữ trong việc góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo các sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO