Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng Nâm Nung

Đức Hùng| 31/08/2018 16:55

Chúng tôi về thăm lại vùng căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV (thôn Tân Tiến, xã Nâm Nung, Krông Nô) vào một ngày cuối tháng Tám. Từ trung tâm xã đến các thôn, bon, những vườn cà phê, cao su, tiêu... phủ một màu xanh mướt xen lẫn những ngôi nhà xây kiên cố khang trang như một minh chứng rõ nét về sự "thay da, đổi thịt" hằng ngày trên vùng căn cứ cách mạng năm xưa.

ADQuảng cáo

Đài chiến thắng - điểm "về nguồn" nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay

Nỗ lực phát triển kinh tế

Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV là Căn cứ địa cách mạng của lực lượng kháng chiến (tỉnh Quảng Đức cũ) và lực lượng kháng chiến liên tỉnh IV trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1959 – 1975). Đây là địa bàn hoạt động an toàn của các cơ quan, ban ngành huyện ủy, tỉnh ủy, liên tỉnh; là hành lang chiến lược đưa sức người, sức của từ hậu phương ra tiền tuyến.

Khu căn cứ còn có vai trò kết nối Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, miền Bắc với miền Nam; nơi đưa, đón các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương vào thành lập chủ lực Miền để chỉ đạo cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xã Nâm Nung có diện tích tự nhiên 10.840 ha; dân số 1.669 hộ, khoảng 7.000 khẩu, có 6 thôn, bon với 10 dân tộc cùng nhau sinh sống, trong đó chiếm số đông là người Tày, M’nông, Dao… Với đặc thù xã có hơn 80% dân số là người đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trong những năm qua, mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân được đảng bộ, chính quyền xã triển khai bằng nhiều kế hoạch hoạt động gắn với thực tiễn địa phương.

Theo đó, cấp ủy đảng, chính quyền nơi đây đã từng bước lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng thôn, bon. Bên cạnh đó, xã cũng quan tâm tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận dụng có hiệu quả các mô hình kinh tế để phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Một khu dân cư xã Nam Nung

ADQuảng cáo

Theo thống kê, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn xã năm 2017 đạt 5.929 ha, tăng 784 ha so với năm 2012. Trong đó, cây lương thực 847 ha, cây công nghiệp dài ngày khoảng 4.380 ha gồm: Cà phê (1.484 ha); hồ tiêu (158 ha); cao su (2.586 ha); cây ăn quả (101 ha). Năm 2017, giá trị sản xuất trên 1 ha bình quân toàn xã ước đạt 78 triệu đồng, tăng 20,4 triệu đồng so với năm 2012; cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng và giá trị xuất khẩu. Tổng đàn gia súc của xã hiện khoảng 5.000 con, đàn gia cầm 35.130 con, tăng khoảng trên 20% lượng đàn so với năm 2012.

Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết: "Nhờ khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương, người dân trên địa bàn đã từng bước tiếp thu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần làm thay đổi đáng kể chất lượng nền kinh tế địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng 22,5 triệu đồng/năm so với năm 2012. Xã còn 262 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15%, giảm 90 hộ so với năm 2012. Có 130 hộ đạt danh hiệu gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao đang được người dân xã Nâm Nung đầu tư

Phát huy giá trị truyền thống

Trên cơ sở truyền thống cách mạng, giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất, con người nơi đây, xã Nâm Nung đang xây dựng các chương trình hướng đến phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử cách mạng B4-Liên tỉnh IV nhằm khơi dậy, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Thời gian qua, địa phương đã tăng cường vận động các gia đình chủ động lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong các thôn, bon, gia đình. Cụ thể, toàn xã hiện có 9 nghệ nhân dệt thổ cẩm thường xuyên, 6 hộ còn lưu giữ các bộ chiêng truyền thống, 7 nghệ nhân đan lát, 12 nghệ nhân đánh chiêng, 6 nghệ nhân hát dân ca. Đây là cơ sở để địa phương lưu giữ, phát triển các dịch vụ du lịch, quà tặng truyền thống gắn với Khu di tích lịch sử cách mạng trong thời gian tới.

Khu căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV đã được nhà nước đầu tư xây dựng, trùng tu nhiều hạng mục quan trọng như: Khu công sự, khu văn phòng liên tỉnh IV, phòng làm việc Ban cán sự B4, hội trường, trạm quân y, cầu qua khu căn cứ, đường nội bộ khu căn cứ, khu khánh tiết (nhà lưu niệm, bia tưởng niệm, tượng đài) và trồng cây xanh với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng.

Ông Đinh Xuân Phụng, Bí thư xã Nâm Nung cho biết: "Trong những năm qua, người dân trên địa bàn luôn phát huy tinh thần yêu nước, cần cù, sáng tạo, luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền địa phương, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thách thức, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương để phục vụ mục tiêu phát triển". Để phát huy giá trị di tích lịch sử khu kháng chiến B4-Liên khu IV, thời gian qua, các dịp lễ, tết, ngày thương binh liệt sĩ… các khu khánh tiết và các hạng mục công trình đã phục dựng, trùng tu của Khu căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV là nơi diễn ra các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng Nâm Nung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO