Dựng lều cho con trọ học

Hoàng Thanh| 28/09/2017 11:03

Hai thôn Phú Hòa, Phú Vinh, xã Quảng Phú (Krông Nô) hiện có khoảng gần 1.000 hộ sống rải rác, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Mường, Tày, Nùng và Cao Lan.

ADQuảng cáo

Hiện nay, ngoài việc chưa có điện lưới quốc gia, giao thông đi lại rất khó khăn, cách trở. Thậm chí, từ năm 2016 trở về trước, học sinh tiểu học tại địa bàn còn phải học trong những lớp học tạm bợ, tranh tre nứa lá do nhân dân tự dựng nên.

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Lệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bế Văn Đàn, ở thôn Phú Hòa, xã Quảng Phú, do địa bàn xa xôi, cách trở nên việc đến trường của cả cô và trò ở đây rất vất vả. Đáng mừng là năm học này, được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, mái trường tranh tre nứa lá trước đây, nay đã được thay bằng 6 phòng học khang trang, kiên cố. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên chú trọng vận động học sinh đến trường nên đã hạn chế được tình trạng bỏ học. Trường tiểu học Bế Văn Đàn hiện có 363 học sinh, trong đó có tới 80% là dân tộc thiểu số phía Bắc. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều phụ huynh rất chú trọng đến việc học hành của con em mình.

Bố con anh Lý Và Thanh trước căn lều

Đơn cử như trường hợp của gia đình anh Lý Và Thanh ở thôn Phú Vinh (SN 1976) - người dân tộc Mông có 4 đứa con, trong đó, có 3 cháu hiện đang học tại Trường tiểu học Bế Văn Đàn. Từ nhà anh Thanh đến trường phải đến gần 20 km, nên các năm học trước, ngày nào anh cũng dành nhiều thời gian đưa đón các cháu, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và sinh hoạt gia đình. Để khắc phục, đầu năm học này, anh Thanh đã mượn đất của người quen ở thôn Phú Hòa, trước cổng trường dựng một túp lều cho các con ở trọ.

Anh Lý Và Thanh cho biết: “Nhà tôi rẫy ít, chỉ có 500 cây cà phê, con lại đông, nên phải đi làm thuê thêm để nuôi gia đình. Tuy nhiên, ngày nào cũng phải đưa đón các cháu đi học nên ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và kinh tế gia đình. Không nỡ để các con bỏ học, tôi đã bàn với vợ dựng lều cho các cháu. Hơn nữa, vợ chồng tôi trước đây vì khó khăn mà phải bỏ học, nên quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng cho con đi học để biết “cái chữ” để sau này đỡ vất vả”.

ADQuảng cáo

Căn lều anh Thanh dựng lên cho các con ở chỉ là tạm bợ, có diện tích khoảng 10m2, khung bằng lồ ô, mái và vách xung quanh được che bằng bạt ni lông. Để có chỗ ngủ cho các con, anh cũng dùng tre làm một chiếc giường rộng, chiếm tới nửa căn lều. Chiếc giường vừa là nơi ngủ, vừa là bàn học của 3 anh em: Lý Và Chưởng (lớp 3), Lý Và Thành (lớp 2) và Lý Và Phúc (lớp 1).

Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, 3 anh em Chưởng, Thành và Phúc trở về căn lều tự nấu ăn, giặt giũ quần áo, sau đó học bài. Gạo và thức ăn hàng tuần của các em do bố Thanh chở đến vừa đủ ăn trong tuần. Cuối tuần, các em mới trở về với tổ ấm thực sự của mình. Em Lý Và Chưởng cho biết: “Mỗi ngày, chúng em nấu cơm 3 bữa, mỗi khi hết củi thì phải tự đi kiếm củi. Chúng em thường tranh thủ học bài vào buổi chiều vì tối đến không có điện”.

Hai anh em Lý Và Chưởng và Lý Và Thành nấu cơm chiều

Mặc dù khó khăn, nhưng cả 3 anh em đều chăm chỉ học hành và rất ngoan ngoãn, biết nghe lời thầy cô và hòa đồng với bạn bè. Các em xa gia đình, nên các giáo viên rất quan tâm, luôn dặn dò khi ở trọ phải biết giữ gìn vệ sinh, không đi chơi sông, suối…

Anh Lý Và Thanh tâm sự: “Thực tình, để 3 đứa trẻ ở như vậy, vợ chồng tôi cũng lo lắm, nhưng luôn động viên các con cố gắng vượt qua khó khăn, học hành chăm ngoan”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dựng lều cho con trọ học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO