Gắn bó với công tác dân số vì tình thương, trách nhiệm!

Vũ Trang| 13/03/2018 09:10

Với tinh thần trách nhiệm, sự năng nổ, nhiệt tình, nhiều năm qua, chị Đoàn Thị Tú, nhân viên y tế-dân số thôn 5, xã Đắk Ha (Đắk Glong) luôn hoàn thành tốt mọi công việc, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình dân số tại địa phương.

ADQuảng cáo

Chị Đoàn Thị Tú (áo đen) nhân viên y tế-dân số thôn 5, xã Đắk Ha (Đắk Glong) tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bà con

Năm 2011, gia đình chị Tú từ quê hương Sóc Trăng lên xã Đắk Ha lập nghiệp, với việc canh tác gần 1 ha cà phê. Do năng nổ, nhiệt tình, chỉ trong một thời gian ngắn sinh sống ở địa phương, chị Tú đã được Ban tự quản thôn 5 giới thiệu làm nhân viên y tế-dân số thôn. Được mọi người tin tưởng giao trách nhiệm, chị bắt đầu tìm tòi, học hỏi kiến thức, tham gia các lớp tập huấn, khóa đào tạo ngắn hạn của ngành Y tế.

Chị Tú chia sẻ: “Nhiệm vụ chính của cộng tác viên dân số-y tế là tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn và không phải ai cũng có thể làm tốt được. Hơn nữa, thôn có hơn 90% dân số là đồng bào Mông, bà con hầu như đều có tâm lý rụt rè, khó chia sẻ, hợp tác, lại thêm trở ngại về ngôn ngữ. Mỗi khi hỏi hay nói gì, bà con cũng im lặng, cười và nói “xì pâu à” (không biết đâu)”.

Trước những khó khăn, trở ngại đó, chị Tú vẫn quyết tâm, nỗ lực làm “cầu nối” để truyền tải kiến thức về y tế-dân số đến bà con. Theo lời kể của chị Tú, trong thời gian chưa làm nhân viên y tế-dân số thôn, chị đã chứng kiến nhiều phụ nữ trong thôn không quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là trong thời kỳ mang thai đã dẫn đến những câu chuyện đáng tiếc.

Một trong số đó là trường hợp của chị Hạng Thị Và, trong quá trình mang thai và sinh con đã không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ lại thêm sinh nở tại nhà nên khi gặp tai biến, chị Và không được xử lý kịp thời dẫn đến tử vong, để lại các con mồ côi, không nơi nương tựa. Bản thân chị Tú cũng đã nhận nuôi 1 cháu, hiện nay đã 9 tuổi.

ADQuảng cáo

Khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, chị Tú đã nhờ chị Vàng Thị Bờ Lề là cán bộ phụ nữ thôn làm cầu nối, phiên dịch cho những lần chị tiếp xúc với bà con. Dần dần, khoảng cách giữa chị với bà con nơi đây cũng được rút ngắn dần. Từ đó, chị thường xuyên nắm bắt thông tin từng gia đình, các cặp vợ chồng để tiếp cận, giải thích và tư vấn cho họ hiểu về các chính sách DS-KHHGĐ cũng như các biện pháp chăm sóc sức khỏe.

Theo chị Tú, điều quan trọng nhất để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao chính là sự kịp thời và đúng đối tượng. Ngay tại địa bàn chị quản lý, nhiều cặp vợ chồng không sử dụng biện pháp tránh thai nên sinh nhiều con. Trước thực tế đó, chị thường xuyên đến từng nhà tư vấn, động viên, nên hầu hết các cặp vợ chồng đã thay đổi suy nghĩ. Trong thôn có khoảng 70 phụ nữ, trong độ tuổi sinh đẻ có hơn 50 chị em tự nguyện sử dụng các biện pháp tránh thai. Ngoài ra, các cặp vợ chồng cũng quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ nên tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng cũng giảm đáng kể.

Trong thời gian sinh sống, tiếp cận với bà con, chị Tú nhận thấy nhiều gia đình trong thôn còn có tập quán sinh con tại nhà, nên đã đăng ký tham gia lớp đào tạo cô đỡ thôn bản để có thể hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời trong những trường hợp cần thiết. Với vai trò là cô đỡ thôn bản, chị Tú đã trực tiếp đỡ đẻ cho nhiều bà mẹ sinh con tại nhà, hoặc sinh con rớt trên nương rẫy.

Đơn cử như trường hợp chị Giàng Thị Chín sinh con tại nhà nhưng không may sinh khó. Sau khi nghe tin, chị Tú lập tức đến hỗ trợ và đưa em bé ra ngoài an toàn. Nhưng do thời gian sinh quá lâu, trẻ bị suy hô hấp, người mẹ mất máu quá nhiều nên chị Tú đã vận động gia đình đưa mẹ và con đến cấp cứu tại cơ sở y tế. Sau khi được cấp cứu kịp thời, hai mẹ con chị Chín đã an toàn, sức khỏe ổn định. Cũng chính từ câu chuyện này, chị Tú đã giải thích cho bà con hiểu về sự cần thiết phải sinh con tại cơ sở y tế. Từ đó, nhiều cặp gia đình đã thay đổi thói quen, nhận thức. Từ năm 2016 đến nay, trong thôn không còn trường hợp nào sinh con tại nhà.

Chị Tú chia sẻ: “Đến nay, nhiều người trong thôn vẫn thường trêu tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bởi công việc nhiều, tốn thời gian, phụ cấp ít ỏi, trong khi hoàn cảnh gia đình cũng không khá giả gì. Thế nhưng, suốt những năm qua, tôi vẫn luôn gắn bó với công việc, đơn giản chỉ vì tình thương và trách nhiệm”.

Nói về dự định trong tương lai, chị Tú cho biết: “Ngoài việc nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình cho tốt, tôi vẫn sẽ tích cực học tập, tham gia công tác xã hội để có thể đóng góp một phần công sức cho địa phương. Đó cũng là cách tôi tự tạo niềm vui, động lực phấn đấu cho bản thân trong cuộc sống”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn bó với công tác dân số vì tình thương, trách nhiệm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO