Giải ngân vốn vay nhà ở xã hội theo tinh thần công bằng, đúng đối tượng

Nguyễn Lương thực hiện| 20/04/2018 09:11

Ngày 3/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội năm 2018 tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyết định này.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh

PV: Ông cho biết sau khi Thủ tướng ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, về phía NHCSXH Việt Nam đã có sự chỉ đạo triển khai ra sao?

Ông Nguyễn Tiến Hà: Ngay sau khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, về phía NHCSXH Việt Nam đã chỉ đạo trực tiếp các chi nhánh trực thuộc triển khai chương trình này. Trước hết, NHCSXH Việt Nam đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ giải ngân chương trình tín dụng này cho cán bộ trên toàn hệ thống.

Tất cả các bước về mức lãi suất, tính lãi suất, tính lãi nợ quá hạn, nguyên tắc vay vốn, đối tượng, điều kiện vay vốn, hạn mức cho vay, thời hạn cho vay… đều được NHCSXH Việt Nam phổ biến cho từng đơn vị. Cùng với đó, NHCSXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh chóng triển khai, hoàn tất các thủ tục để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn.

PV: Trên tinh thần chỉ đạo này, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện kế hoạch như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Hà: Vâng! Trên tinh thần chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, về phía đơn vị chúng tôi tổ chức tập huấn, triển khai rộng rãi đến toàn thể cán bộ, nhân viên toàn Chi nhánh. NHCSXH tỉnh đã tiến hành báo cáo Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh cùng cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn phối hợp với ngân hàng để phổ biến, tuyên truyền cho người dân được biết về chủ trương, chính sách của chương trình, cũng như thực hiện các quy trình để cho vay. Dựa trên nguồn vốn Trung ương, chúng tôi tiến hành phân bổ vốn về các xã, phường, thị trấn để hệ thống tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) họp, bình xét.

PV: Về quy trình vay vốn, giải ngân có gì khác so với các chương trình tín dụng ưu đãi đã triển khai, thưa ông ?

Ông Nguyễn Tiến Hà: Nói chung, về cơ bản, quy trình cho vay chương trình này giống với quy trình cho vay các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi khác mà từ trước đến nay NHCSXH đã triển khai. Cụ thể, người vay vốn gửi hồ sơ cho tổ TK&VV nơi cư trú hợp pháp. Tổ TK&VV tổ chức họp bình xét công khai dưới sự giám sát, chứng kiến của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, người đại diện tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác, sau đó, lập danh sách đề nghị vay vốn NHCSXH.

Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch vốn được giao, Ban giảm nghèo cấp xã, phường, thị trấn tập hợp hồ sơ của các tổ TK&VV trình Chủ tịch UBND cùng cấp xác nhận. Khi nhận được hồ sơ vay vốn do tổ TK&VV gửi đến, NHCSXH thông báo cho người vay đến làm thủ tục vay vốn và mang theo hồ sơ vay vốn. Cán bộ tín dụng thực hiện thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ vay vốn, lập báo cáo thẩm định, giải ngân.

ADQuảng cáo

PV: Vậy đối tượng, điều kiện để được tham gia gói vay nhà ở xã hội này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Hà: Theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, tất cả sẽ có 5 đối tượng thuộc diện ưu tiên gói vay này. Các đối tượng, gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó, trừ đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi, người có công với cách mạng, các đối tượng còn lại để được vay vốn phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên, theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Về điều kiện vay vốn, người vay phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện đã quy định tại Nghị định. Theo đó, hằng tháng, người vay phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH, với thời gian tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với NHCSXH. Mức gửi tiết kiệm hằng tháng bằng mức trả nợ hằng tháng của người vay vốn. Người vay phải có đủ vốn tự có tối thiểu 20% giá trị hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội đối với vay vốn để thuê, mua nhà ở xã hội; có tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Đối tượng vay vốn phải có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định. Người vay có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ  theo cam kết với NHCSXH. Có giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê nhà ở xã hội, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở, trong đó, có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội tại ngân hàng khác hoặc các tổ chức tín dụng khác...

PV: Ông có thể cho biết thêm về thực tế nguồn vốn phân bổ cho chương trình cũng như việc phân bổ, giải ngân nguồn vốn như thế nào để bảo đảm sự công bằng, đúng đối tượng?

Ông Nguyễn Tiến Hà: Có lẽ, đây là điều khó khăn nhất mà hiện nay chúng tôi phải cực kỳ cẩn trọng trong tất cả các khâu từ bình xét, cho vay đến giải ngân vốn. Bởi vì, thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP, trong quý II/2018, NHCSXH Việt Nam phân bổ về cho Chi nhánh NHCSXH tỉnh số vốn 10 tỷ đồng. Thực tế, nguồn vốn ít, trong khi nhu cầu vay vốn rất cao nên chúng tôi sẽ hết sức quan tâm đến vấn đề này. Trên cơ sở biểu mẫu quy định về đối tượng, điều kiện cho vay, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện công khai tất cả các bước để tạo sự công bằng.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này, không chỉ riêng trách nhiệm của cán bộ ngân hàng, mà các địa phương, tổ chức hội đoàn thể phải nâng cao vai trò trách nhiệm của mình. Bởi vì, hiện nay, hồ sơ xác định đủ tiêu chuẩn vay vốn hay không là do tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền xã, phường họp qua rất nhiều vòng. Nếu đủ điều kiện rồi, nhưng trong phạm vi nguồn vốn đáp ứng đủ thì chuyển lên ngân hàng giải ngân ngay. Còn nếu người vay đủ tiêu chuẩn vay nhiều hơn nguồn vốn đáp ứng thì tiếp tục chấm điểm thêm các tiêu chí khác.

Trong trường hợp, nhiều người vay bằng điểm nhau thì phải tiến hành bốc thăm.  Còn đối tượng có đúng hay không sẽ do chính người dân tại địa phương phát hiện. Bởi vì, nếu một người vay vốn ở xã, phường nào đó được vay vốn nhưng không đúng đối tượng thì chắc chắn xung quanh sẽ có ý kiến, phản biện.

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải ngân vốn vay nhà ở xã hội theo tinh thần công bằng, đúng đối tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO