Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số: Tích hợp các chính sách để đề ra một Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng DTTS

Nguyễn Hiền| 28/08/2018 10:13

Giảm nghèo bền vững là một trong những chính sách có ý nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với các vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trong vùng DTTS vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. Tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, nhiều ý kiến đã chất vấn, đề cập đến vấn đề này.

ADQuảng cáo

Ông K’Long, Trưởng thôn 3, xã Đắk Som (Đắk Glong) hướng dẫn người dân bẻ chồi bơ dưới mắt ghép. Ảnh: A Trư

Nhiều khu vực tỷ lệ hộ nghèo cao

Qua đánh giá, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện. Các tỉnh, thành phố đã ban hành gần 50 chính sách đặc thù hỗ trợ địa bàn nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với tình hình của từng địa phương.

Giai đoạn 2016-2018, nguồn lực ngân sách trung ương bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên 21.500 tỷ đồng, chiếm trên 52% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020. Từ thực hiện các chính sách, đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 6,7%. Trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng DTTS và miền núi giảm đạt mục tiêu đề ra với khoảng 3-4% so với cuối năm 2016. Một số tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo 5% trở lên như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu...

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn. Số hộ nghèo cả nước đến cuối năm 2017 là 1.642.000 hộ, trong đó hộ DTTS nghèo 864.900 hộ, chiếm trên 52%. Thu nhập bình quân chỉ đạt từ 7-8 triệu đồng/người/năm.

Đáng chú ý, nhiều khu vực có tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Tây Bắc: 28,1%; miền núi Đông Bắc: 14,8%; Tây Nguyên: 12,86%. Cùng với đó, kết quả giảm nghèo hiện chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc thiên tai.

Đắk Nông phấn đấu giảm 3-4% hộ nghèo/năm

Riêng tại tỉnh Đắk Nông, công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS cũng đã được quan tâm thực hiện. Ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù như: Hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2016-2020; chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020; các chính sách hỗ trợ lãi suất cải thiện nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh; hỗ trợ lãi suất phát triển sản xuất; cấp thẻ bảo hiểm y tế... Riêng trong năm 2017, tỉnh đã huy động gần 52 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau nhằm tập trung thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng DTTS.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều thách thức, nhất là trong vùng DTTS. Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện các chính sách còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát huy được hiệu quả đề ra. Điển hình nhất là việc triển khai thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đối với hộ đồng bào DTTS nghèo ở các xã, thôn, buôn, bon đặc biệt khó khăn, chỉ có 4/9 nội dung đạt được kế hoạch đề ra. Chính sách cấp cây con giống cho hộ DTTS chưa phát huy hiệu quả đề ra.

Trong năm 2018, tỉnh phấn đấu giảm 2% hộ nghèo trở lên; trong đó giảm hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS từ 3% và hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 4% trở lên. Thế nhưng, với những khó khăn, hạn chế nêu trên, việc thực hiện mục tiêu đề ra sẽ trở nên khó khăn hơn.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Đắk Ha (Đắk Glong) tuyên truyền, hướng dẫn chị em  DTTS cách chăm sóc vườn cà phê

Tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn

Qua chất vấn, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong thực hiện chính sách giảm nghèo vùng DTTS một phần do điều kiện tự nhiên không thuận lợi; hạ tầng thiết yếu chưa phát triển; nhiều chính sách ban hành nhưng nhỏ lẻ, chồng chéo, kinh phí cấp chậm; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương chưa cao...

Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững vùng DTTS là trách nhiệm của tất cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương.  Riêng Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn như tham mưu Chính phủ có những chính sách phát triển kinh tế hạ tầng xã hội, nhất là giao thông, thông tin, riêng về vấn đề giao thông là phải ưu tiên số 1.

Bên cạnh đó, cùng với phát triển nguồn nhân lực trong vùng DTTS, vấn đề tạo sinh kế cho đồng bào DTTS cũng là việc làm cấp thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này trước hết phải ổn định được dân cư, tạo điều kiện về sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mà bà con làm ra.

Một giải pháp nữa được đưa ra là tăng cường vận động, thuyết phục để bà con phát huy lòng tự hào dân tộc, tự tin là mình có thể tự lực để thoát nghèo, tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Đối với vùng DTTS hiện nay cần nhất là tích hợp các chính sách để đề ra một Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng DTTS, vùng kinh tế khó khăn một cách có trọng tâm, trọng điểm. Để giảm nghèo được bền vững, Trung ương, địa phương cần thiết phải có sự tập trung nguồn lực, tập trung chỉ đạo và có mục tiêu cụ thể, có tiêu chí đánh giá cụ thể các năm, các giai đoạn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số: Tích hợp các chính sách để đề ra một Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng DTTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO