Giảm nghèo nhưng chưa thật sự bền vững (kỳ 2): Phải khắc phục nhanh những hạn chế, bất cập

Ngọc Dũng| 17/08/2020 09:09

Theo đánh giá của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, mặc dù công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đạt mục tiêu đề ra nhưng kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Chênh lệch giàu -nghèo giữa các vùng và các nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là tại các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như Đắk Glong, Tuy Đức.

ADQuảng cáo

Thiếu sự phối hợp trong quản lý, điều hành

Theo đánh giá của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Đắk Nông là một chính sách lớn, cần sự chung tay, phối hợp thực hiện của nhiều cấp, nhiều sở, ngành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn xảy ra tình trạng chồng chéo, chưa có sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương. Một số chính sách hỗ trợ phân cấp cho cấp huyện, các sở, ngành chủ trì thực hiện nhưng chưa nắm bắt tình hình triển khai cụ thể, dẫn đến cùng một chương trình, dự án số liệu báo cáo giữa các đơn vị không thống nhất.

Mặc dù được đầu tư công trình cấp nước tập trung nhưng do hư hỏng nhiều năm nên người dân thôn 5, xã Đắk P'lao (Đắk Glong) phải hứng nước mưa để sử dụng

Điều đáng nói nữa là nhiều đơn vị được giao chủ quản, thường trực về công tác giảm nghèo nhưng không cập nhật được thông tin và tiến độ. Điển hình như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực công tác giảm nghèo nhưng thường xuyên không biết tình hình, tiến độ, kết quả và hiệu quả, tác động giảm nghèo của các dự án giảm nghèo do các tổ chức nước ngoài tài trợ, hỗ trợ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh (báo cáo của Sở LĐTB-XH).

Hay Ban Dân tộc tỉnh là đơn vị thường trực đối với Chương trình 135. Mặc dù một số tiểu dự án có phân cấp về huyện, xã làm chủ đầu tư nhưng Ban Dân tộc tỉnh vẫn phải nắm được đầu mối, theo dõi tình hình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh cũng chỉ đề cập đến kết quả thực hiện của 2 tiểu dự án, những nội dung đảm trách khác lại “bỏ ngỏ”, không báo cáo.

Ngoài ra, một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương chưa có nhận thức đúng và đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của giảm nghèo dẫn đến người nghèo, xã nghèo còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Các tổ chức, đoàn thể chưa có sự triển khai một cách đồng bộ việc phân công cụ thể đoàn viên, hội viên giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo còn thiếu sự quan tâm, phối hợp của một số sở, ban ngành liên quan và UBND cấp huyện. Các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp được phân công địa bàn để chỉ đạo, theo dõi và giám sát nhưng chưa thực hiện thường xuyên, kịp thời.

Bất cập trong triển khai

ADQuảng cáo

Qua giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã chỉ ra một số dự án đầu tư hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn chưa thực sự phát huy hiệu quả, còn tình trạng lãng phí. Điển hình như ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) xây dựng 2 công trình trường mầm non và hoàn thành từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng. Nguyên nhân được xác định là do trường chỉ tổ chức học 1 buổi/ngày, trong khi nhu cầu của người dân muốn trẻ mầm non học 2 buổi/ngày và ăn bán trú.

Tại một số xã khác được đầu tư xây dựng nhiều nhà văn hóa cộng đồng nhưng chưa phát huy hết hiệu quả. Có trường hợp nhà văn hóa cộng đồng đã được bàn giao nhưng không sử dụng được vì không có điện, nước như ở các xã Quảng Khê (Đắk Glong), xã Thuận Hà (Đắk Song)... Hầu hết các công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân hiện đã xuống cấp, hư hỏng, có nơi không sử dụng được. Một số công trình đường giao thông nông thôn đầu tư xây dựng không đúng quy hoạch.

Nhiều nhà văn hóa cộng đồng ở huyện Đắk Glong được đầu tư nhưng xuống cấp, không phát huy hiệu quả sử dụng

Theo bà Hồ Thị Nghĩa, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, việc bố trí một số nguồn vốn trong các chương trình giảm nghèo không giống nhau theo quy định. Điển hình như cùng chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhưng lại có định mức hỗ trợ khác nhau giữa những hộ hưởng lợi từ Chương trình 30a và Chương trình 135. Bà Nghĩa cho rằng: “Qua giám sát có một thực tế rất buồn, các địa phương báo cáo có rất nhiều mô hình giảm nghèo nhưng thực tế không có mô hình nào được nhân rộng từ cả hai Chương trình 30a và 135".

Tiếp tục vào cuộc một cách đồng bộ

Từ thực tế giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, giảm nghèo là chương trình mang tính nhân văn và ý nghĩa. Vì vậy, những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai cần nhanh chóng được khắc phục một cách đồng bộ để tiếp tục thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

UBND tỉnh cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành và địa phương được giao quản lý chương trình. Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh phân bổ vốn nên phối hợp, có sự tham gia của các đơn vị, tránh trường hợp các đơn vị không nắm bắt được quá trình triển khai thực hiện, không có số liệu tổng hợp. Các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn dân chung tay tham gia ủng hộ xóa nghèo; khuyến khích các hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.

Việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án với chương trình mục tiêu giảm nghèo là cần thiết để phát huy hiệu quả. Các ngành, địa phương tập trung thống nhất giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Công tác kiểm tra, giám sát đối với các chương trình, chính sách giảm nghèo cần được tăng cường hơn nữa, bảo đảm chất lượng. Các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi phải phát huy hiệu quả đồng vốn, bảo đảm hỗ trợ, cho vay ưu đãi đúng đối tượng, đúng mục tiêu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo nhưng chưa thật sự bền vững (kỳ 2): Phải khắc phục nhanh những hạn chế, bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO