Giảm thiểu tình trạng tảo hôn: Tuyên truyền, vận động vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất

Vũ Trang| 19/07/2018 09:41

Thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, song tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến tại một số địa bàn dân cư trong tỉnh. Trong đó, nhiều trường hợp kết hôn, sinh đẻ ở độ tuổi 14-15, gây nhiều hệ lụy đối với đời sống xã hội.

ADQuảng cáo

Nhân viên y tế tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người dân thôn Năm Tầng, xã Đắk R'la (Đắk Mil) về vấn đề tảo hôn

Sinh con từ tuổi 12

Theo lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Hiền, cán bộ phụ nữ thôn 2, xã Đắk Som (Đắk Glong), chúng tôi đến nhà em Giàng Thị Mai, dân tộc Mông. Ngôi nhà lụp xụp dường như không có gì đáng giá, bên trong, bà mẹ trẻ đang loay hoay ru con ngủ. Nhìn Mai, ít ai nghĩ em vừa mới bước sang tuổi 18 vì nét mặt trông già hơn những em gái cùng trang lứa.

Cũng như nhiều em gái khác trong thôn, chưa học hết tiểu học, Mai đã nghỉ học giữa chừng để lấy chồng và đến năm 2012 thì sinh đứa con đầu lòng khi vừa tròn...12 tuổi. Hiện tại, Mai đang mang thai đứa con thứ 6. Bà mẹ trẻ đến tiếng phổ thông còn không rành rọt nên hầu như không có kiến thức gì về chăm sóc sức khỏe khi mang thai cũng như nuôi con. Đây cũng là nguyên nhân khiến Mai hai lần bị sảy thai và hiện có 3 đứa con nhỏ.

Theo chia sẻ của Mai, từ khi lấy chồng đến nay, em không có thời gian chăm sóc bản thân, con cái, vì đứa này chưa đầy năm thì đứa khác lại sắp ra đời. Một mình chồng lăn lộn vất vả, cộng thêm sự giúp đỡ của hai bên nội ngoại nhưng cuộc sống của gia đình vẫn bấp bênh, bữa đói bữa no, mấy đứa con cũng còi cọc, chậm lớn.

Những câu chuyện buồn

Không riêng trường hợp của Mai, việc kết hôn, đẻ con sớm ở tuổi vị thành niên là chuyện rất bình thường và phổ biến tại địa phương. Từ đó, nhiều câu chuyện buồn về những cặp vợ chồng trẻ con cũng liên tiếp xảy ra.
Theo lời kể của chị Hiền, hơn 1 năm trước, người dân trong thôn đã phải chứng kiến cái chết thương tâm của bà mẹ trẻ mới hơn 16 tuổi, đó là trường hợp của em V.T.S.

Lấy chồng từ năm 11 tuổi, đến năm 2016, S có thai đứa con thứ 3. Do cuộc sống gia đình khó khăn, không muốn sinh thêm con nhưng lại xấu hổ, không dám tìm đến cơ sở y tế nên đôi vợ chồng trẻ tự ý phá thai theo cách dân gian. Kết quả, S uống nhầm rễ cây độc trong rừng dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con.

Chị Hiền cho biết: “Cuộc sống của các em gái lấy chồng, đẻ con sớm ở đây chỉ biết vùi đầu vào nương rẫy, bếp núc, con cái. Sự vất vả ấy dường như đã lấy đi vẻ ngây thơ, trong sáng ở cái tuổi đẹp nhất của đời người. Nhiều em gái tuổi vừa mười chín, đôi mươi đã làm mẹ của 3-4 đứa con nên nhìn già đi trông thấy”.

Khi nhắc đến vấn đề tảo hôn, nhiều cán bộ dân số, y tế của xã cũng thở dài ngao ngán. Chị Triệu Thị Lý, chuyên trách dân số xã Đắk Som cho biết: “Câu chuyện dựng vợ, gả chồng của một số đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có từ bao đời nay như một lẽ tự nhiên, chỉ vì mục đích là có thêm người làm và duy trì nòi giống. Mặc cho chính quyền, cán bộ dân số, phụ nữ cứ tuyên truyền đi tuyên truyền lại, năm này qua năm khác nhưng đâu vẫn vào đấy”.

Không chỉ ở xã Đắk Som, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn biến phức tạp ở hầu hết các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Mới 16 tuổi, nhưng em Dương Thị Dậu ở thôn Năm Tầng, xã Đắk R’la (Đắk Mil) đã là mẹ của đứa con hơn 9 tháng tuổi. Thay vì cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa, Dậu phải quanh quẩn nơi góc nhà. Công việc hàng ngày chỉ là bếp núc, cho con bú, thay tã, ru con ngủ… với những động tác còn lóng ngóng đôi khi phải nhờ sự giúp đỡ của người ngoài.

ADQuảng cáo

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuyên, Trưởng Trạm  y tế xã Đắk R’la (Đắk Mil) cho biết: “Mặc dù không có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng qua theo dõi việc tiêm chủng mở rộng và khám bệnh cộng đồng, chúng tôi nhận thấy tình trạng tảo hôn, sinh con ở tuổi vị thành niên vẫn còn rất phổ biến. Trong đó, thôn Năm Tầng được xem là “điểm nóng” về vấn đề này”.

Cô đỡ thôn bản tuyên truyền các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho các bà mẹ trẻ ở thôn 2, xã Đắk Som (Đắk Glong)

Nhiều hệ lụy

Thực tế cho thấy, việc tảo hôn, sinh con ở lứa tuổi vị thành niên không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây nhiều hệ lụy đối với đời sống xã hội. Điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất đó là tình trạng bỏ học giữa chừng. Nhiều cặp vợ chồng trẻ học chưa hết tiểu học, thậm chí mới đọc ê a được vài chữ, viết còn nguệch ngoạc đã bỏ học lấy vợ, gả chồng, kéo theo đó là tình trạng thất học và tái mù chữ.

Điều đáng nói hơn hết là việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, chưa sẵn sàng về tâm lý, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe sản phụ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng như tăng tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh…

Một vấn đề nữa đi kèm với nạn tảo hôn là tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày. Không hiếm những gia đình bố mẹ mới chỉ ngoài 20 tuổi mà đã 3-4 đứa con. Từ vấn nạn này thì chuyện thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ con không được học hành, chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, văn hóa tinh thần là chuyện tất yếu.

Ngoài ra, do chưa có kiến thức và hiểu biết để tự lo, nên hầu hết cuộc sống của những gia đình trẻ con đều rơi vào cảnh khó khăn, bữa no, bữa đói. Nhiều trường hợp mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí đánh đập nhau rồi ai đi đường nấy. Đau lòng hơn, có những cặp vợ chồng lấy nhau quá sớm nên sự hiểu biết, suy nghĩ chưa chín chắn, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt, hiểu lầm mà dẫn đến việc ăn lá ngón để kết liễu cuộc đời, bỏ lại những đứa con bơ vơ không cha, không mẹ…

Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” phấn đấu giảm bình quân mỗi năm 2-3% số cặp tảo hôn, 3-5% số cặp kết hôn cận huyết thống đối với những địa bàn có tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, tỉnh cơ bản ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Nỗ lực tuyên truyền, vận động

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết, từ tháng 8/2011, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã triển khai mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết” tại 6 xã trọng điểm thuộc 2 huyện Tuy Đức và Đắk Glong, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả. Nhưng từ năm 2016, Chính phủ giao hoạt động này cho Ban Dân tộc nên ngành dân số không tiếp tục triển khai mô hình.

Nhằm củng cố, hoàn thiện công tác giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết, ngày 2/5/2018, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Mục tiêu cụ thể mà Đề án hướng tới là nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, việc tảo hôn của một số đồng bào dân tộc thiểu số đã có từ ngàn đời nay. Để xóa bỏ được hủ tục lạc hậu này là rất khó, không thể làm trong một sớm, một chiều mà cần phải có thời gian và cần có sự chung sức của nhiều ban, ngành, xã hội. Đến thời điểm này, công tác tuyên truyền, vận động vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất, nhưng hình thức, nội dung, đối tượng tuyên truyền cần phải được xác định rõ để đem lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, nội dung tuyên truyền phải được chuẩn bị kỹ, phù hợp với tập quán của bà con. Lực lượng tuyên truyền cũng cần chú trọng vào con em ở địa phương, thông thạo tiếng của đồng bào, lồng ghép nội dung trong hoạt động của các đoàn thể, cải tiến hình thức tuyên truyền với thông tin ngắn, dễ hiểu và hiệu quả nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn: Tuyên truyền, vận động vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO