Giúp nạn nhân chất độc da cam "chiếc cần câu"

Hoàng Hoài| 10/08/2017 09:22

Với phương châm “tất cả vì nạn nhân chất độc da cam”, thời gian qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC) trong tỉnh Đắk Nông đã có nhiều hoạt động để chia sẻ, giúp đỡ các trường hợp là nạn nhân CĐDC.

ADQuảng cáo

Học bổng "Hạt giống hy vọng" giúp nhiều con em nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục tiếp bước đến trường

Dương Tiến Lâm (SN 1985), là một trong những nạn nhân CĐDC đã vươn lên, khẳng định mình thông qua sự trợ giúp của tổ chức hội. Lâm là thế hệ thứ 2 bị di chứng CĐDC từ bố. Lúc nhỏ, Lâm không thể đi lại được, chỉ nằm một chỗ, ngồi dậy cũng phải có người giúp đỡ. Lớn lên, được bố mẹ đưa đi chữa trị nhiều nơi và phải tự mình luyện tập miệt mài, Lâm mới có thể tự ngồi dậy và đi lại bằng hai tay. Vượt qua nghịch cảnh, chướng ngại về tâm lý, Lâm đã xin bố mẹ cho đến trường học chữ và sau đó theo học nghề điện tử.

Đồng cảm với hoàn cảnh và tinh thần, nghị lực mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống của Lâm, bà Đặng Thị Tầm, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã hỗ trợ Lâm một phòng máy vi tính để kinh doanh dịch vụ internet. Công việc không chỉ giúp thỏa mãn niềm đam mê, mà trên hết là nó đã giúp Lâm tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Vừa qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã xét trao cho Lâm vốn hỗ trợ phát triển kinh doanh và học bổng của "Hạt giống hy vọng".

Lâm cho biết: “Với tôi, mọi sự giúp đỡ lớn hay nhỏ đều là nguồn khích lệ, cổ vũ rất lớn, bởi ở đó, tôi thấy mình được hòa đồng, bình đẳng, được thương yêu và bản thân mình còn có giá trị để tiếp tục tiến về phía trước”.

Suy nghĩ của Lâm cũng là suy nghĩ của rất nhiều nạn nhân CĐDC khác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông khi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Bởi, mỗi sự giúp đỡ đều không chỉ nằm ở giá trị vật chất, mà cao hơn đó là sự quan tâm, sẻ chia giữa con người với nhau.

ADQuảng cáo

Theo bà Đặng Thị Tầm, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, từ năm 2016 đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã vận động được trên 1,46 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC. Điểm khác so với những năm trước, đó là những năm gần đây, ngoài việc tặng quà, thăm hỏi thường xuyên vào các dịp lễ, tết, công tác giúp đỡ tập trung vào những hoạt động mang tính bền vững, “trao cần câu chứ không trao con cá”. Bởi phần lớn các gia đình nạn nhân CĐDC đều có hoàn cảnh khó khăn, nên nếu tặng phần quà nào đó thì chỉ giúp đỡ được tạm thời trong thời gian ngắn, cũng không mang lại ý nghĩa gì.

Từ thực tế đó, năm 2016 đến nay, Hội đã hướng đến những giúp đỡ mang tính lâu dài hơn đó là trao vốn sản xuất. Từ nguồn vốn của Trung ương Hội, Hội đã tiến hành phân bổ cho 10 hộ gia đình nạn nhân CĐDC vay khoảng 100 triệu đồng để lựa chọn cách phát triển kinh tế phù hợp như chăn nuôi hay trồng trọt. Định kỳ, Hội cử cán bộ trực tiếp xuống nắm tình hình, khảo sát xem việc nuôi, trồng có hiệu quả hay không, đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng vốn hiệu quả cho các gia đình.

Bên cạnh đó, Hội lựa chọn, trao học bổng "Hạt giống hy vọng" cho 7 con em nạn nhân CĐDC với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng trong vòng 36 tháng (theo từng quý, từ tháng 10/2016-10/2019). Học bổng thuộc dự án “Hạt giống hy vọng” do bà Masako Sakata (Nhật Bản) sáng lập, nhằm giúp học sinh là nạn nhân CĐDC đang theo học tại các trường THPT, đại học trong cả nước vững tin trên con đường học tập. Số tiền mặc dù chưa thực sự lớn, nhưng nó sẽ đồng hành cùng các em tiếp tục vững bước trên con đường học tập, lập thân, lập nghiệp.

Một hoạt động nữa thể hiện tính bền vững đó là hỗ trợ làm nhà cho nạn nhân CĐDC. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 4 nạn nhân CĐDC được hỗ trợ làm nhà ở. Có thể kể đến như ông Nguyễn Văn Tấn ở tổ dân phố 6, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô), bà Trịnh Thị Hường ở thôn 13, xã Đắk Sin và Đào Tiến Nghiên ở thôn 2, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp). Ngoài ra, Hội còn mở 1 dịch vụ, hỗ trợ việc làm cho nạn nhân CĐDC.  Đây cũng là hình thức tổ chức ban đầu để làm tiền đề cho việc thành lập Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC của tỉnh sau này.

Cũng theo bà Tầm, nạn nhân CĐDC là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Vì vậy, Hội cũng mong muốn sẽ có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cộng đồng xã hội cùng chung tay giúp đỡ, sẻ chia để các gia đình nạn nhân CĐDC có cuộc sống ổn định hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp nạn nhân chất độc da cam "chiếc cần câu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO