Giúp người nhiễm HIV tiếp cận tốt việc điều trị

Vũ Trang| 31/07/2018 09:36

Với người nhiễm HIV, việc sớm tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) sẽ giúp hồi phục hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không phải bệnh nhân nào cũng có ý thức tuân thủ điều trị ARV.

ADQuảng cáo

Nhân viên Trung tâm y tế huyện Tuy Đức tư vấn về việc điều trị bằng thuốc ARV

Một số bệnh nhân bỏ điều trị

Hơn 10 năm trước, chị B.T.Đ ở xã Nam Dong (Cư Jút) biết bản thân bị nhiễm HIV, từ đó, bắt đầu được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV và đều đặn hàng tháng, đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và lĩnh thuốc. Theo chị Đ, suốt thời gian qua, chị luôn duy trì việc điều trị, uống thuốc ARV thường xuyên, bởi qua tư vấn của bác sĩ chị hiểu rằng, nếu uống thuốc không đều đặn, không đúng liều và không đúng giờ... sẽ bị suy kiệt, dễ mắc hàng loạt bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có ý thức tuân thủ điều trị ARV tốt như chị Đ. Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến 20/6, lũy tích bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 662 người và lũy tích bệnh nhân đã từng được điều trị ARV là 419 người. Trong đó, số bệnh nhân bỏ điều trị giữa chừng là 40 người, chiếm hơn 9,5%.

Theo bác sĩ Trần Đức Phú, phụ trách Khoa Quản lý điều trị (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS), có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân không tuân thủ điều trị, trong đó phần lớn rơi vào các trường hợp nghiện ma túy, nghiện rượu, hay chuyển đi nơi khác nhưng không làm thủ tục chuyển điều trị… Nhiều bệnh nhân ở cách xa cơ sở điều trị nên việc đi lại để nhận thuốc cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, do bệnh nhân điều trị thuốc ARV bị một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, đau bụng, rối loạn giấc ngủ, nổi ban đỏ… nên một số người bỏ uống thuốc.

ADQuảng cáo

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, việc khám, điều trị ARV cho người nhiễm HIV tại các địa phương lại càng khó hơn do chuyển nơi khám, điều trị của người nhiễm HIV từ trung tâm y tế sang các bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Thái Phương, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS (Trung tâm y tế huyện Đắk Mil) cho biết: “Thực tế, bản thân người nhiễm HIV luôn  mặc cảm và ngại tiếp xúc với nhiều người, nên hầu hết đều không muốn đến bệnh viện để nhận thuốc. Vì vậy, khi chuyển nơi khám, điều trị sang bệnh viện, một số người nhiễm HIV trên địa bàn đã bỏ điều trị. Mỗi khi có trường hợp nào bỏ điều trị, cán bộ y tế lại tích cực vận động họ điều trị trở lại”.

Cần hiểu, tuân thủ đúng phác đồ điều trị

Theo bác sĩ N’Dong Brưm, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, việc theo dõi diễn biến bệnh và thực hiện đúng các chỉ định điều trị của thầy thuốc sẽ giúp người nhiễm HIV kéo dài sự sống, cải thiện sức khỏe và hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, người nhiễm HIV sẽ không hoặc ít bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, làm giảm nồng độ HIV trong máu, ngăn ngừa kháng thuốc và làm chậm việc tiến triển của bệnh. Vì vậy, đối với bệnh nhân nhiễm HIV, việc tuyệt đối tuân thủ điều trị rất quan trọng. Người nhiễm HIV cần đi khám và theo dõi sức khỏe đều đặn tại cơ sở y tế. Đối với cán bộ y tế, phải cung cấp đầy đủ thông tin về điều trị ARV, các thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội, phác đồ điều trị, loại thuốc, số viên thuốc, cách uống, cách bảo quản, tác dụng phụ của thuốc... để người bệnh hiểu và chủ động phát hiện các nguy cơ có thể xảy ra do thuốc mà không bị hoang mang.

Bác sĩ Brưm, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh khẳng định:

“Để tuân thủ điều trị thuốc ARV tốt, ngoài việc được trang bị đầy đủ và hiểu đúng các kiến thức về điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV, bệnh nhân cũng phải được quản lý, giám sát, hỗ trợ của nhân viên y tế, sự gần gũi giúp đỡ của người thân, được tư vấn, giải thích khi có các tác dụng phụ và những thắc mắc xung quanh việc điều trị”.

Để hạn chế tình trạng người nhiễm HIV bỏ điều trị giữa chừng, ngành Y tế đang tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, vận động người nhiễm HIV hiểu về tầm quan trọng của việc điều trị bằng thuốc ARV. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống HIV/AIDS, nhất là thay đổi thái độ, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV sẽ được chú trọng hơn nữa. Ngành cũng tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh hoàn thiện và ổn định các cơ sở điều trị HIV/AIDS theo hướng chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế, đồng thời duy trì và tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân HIV trên địa bàn. Các cơ sở y tế  thường xuyên tiếp cận, tư vấn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người bệnh nhằm có hướng điều trị phù hợp hoặc chuyển điều trị theo nhu cầu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp người nhiễm HIV tiếp cận tốt việc điều trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO