Giúp trẻ em dị tật bẩm sinh tìm lại nụ cười

Vũ Trang| 30/08/2018 10:32

Được sự tài trợ kinh phí của Tổ chức Smile Train (Hoa Kỳ), Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Đắk Nông đang triển khai chương trình phẫu thuật khe hở môi/vòm miệng miễn phí cho tất cả trẻ em bị dị tật dạng này trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và các tỉnh lân cận. Không chỉ mang lại nụ cười cho trẻ, những ca phẫu thuật này còn mở ra cho trẻ em khuyết tật một tương lai tốt đẹp hơn.

ADQuảng cáo

Bác sĩ Trần Thanh Vương, Trưởng khoa Răng-Hàm-Mặt (BVĐK tỉnh) phẫu thuật cho trẻ

Niềm vui trở lại

Từ khi sinh ra, bé Thào Thị Xuân, 2 tuổi ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) đã bị dị tật khe hở môi, không thể tự bú mẹ, phải dùng thìa, bình bơm sữa. Đến 1 tuổi, miệng cháu không tự khép được nên việc ăn uống rất khó khăn, dẫn đến gầy gò, nhẹ cân hơn nhiều trẻ cùng trang lứa khác. Vậy là biết được thông tin về đợt phẫu thuật miễn phí tại BVĐK tỉnh nên chị đã đưa con đến khám và niềm vui đến với gia đình khi bé Xuân được chỉ định phẫu thuật.

Chị Hải vui mừng: “Từ khi sinh bé Xuân ra đến nay, đây là lần đầu tiên gia đình tôi cảm thấy hạnh phúc như thế. Hy vọng sau khi được phẫu thuật, con tôi sẽ bình thường như những trẻ em khác”.

Cháu Triệu Thị Hà Linh, 10 tuổi ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil) may mắn hơn khi đây là lần thứ hai được phẫu thuật miễn phí. Theo anh Triệu Văn Lập, cha của em thì bé Linh bị dị tật khe hở cung răng, hở môi rất nặng nên trước đây đã được phẫu thuật sửa môi. Lần này, em được phẫu thuật đóng khe hở cung răng và sửa sẹo để có một nụ cười đúng nghĩa.

Anh Lập cho biết: “Khi con tôi được phẫu thuật chữa khỏi hở môi, cháu đi học sẽ không còn tự ti, mặc cảm với bạn bè như trước đây nữa. Tôi thực sự thấy rất vui”.

Cháu Triệu Thị Hà Linh ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil) được gia đình chăm sóc sau khi phẫu thuật

Nhiều gia đình ở các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước… khi nghe thông tin về đợt phẫu thuật cũng vượt hàng trăm cây số đưa con đến khám. Cháu Điểu Thị Miêm ở huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), hơn 14 năm nay luôn mang trên khuôn mặt nụ cười méo mó do bị dị tật hở hàm ếch bẩm sinh. Gia đình nghèo nên em đã nhiều lần đến khám tại các cơ sở y tế nhưng không có tiền phẫu thuật. Khi nghe tin có đợt khám, phẫu thuật miễn phí tại tỉnh Đắk Nông, sắp xếp công việc gia đình, anh Điểu Chót đưa con đến khám và vui mừng khi con gái được phẫu thuật trong đợt này.

ADQuảng cáo

Anh Chót cho biết: “Hiện cháu đã được phẫu thuật, nhưng do dị tật nặng nên bác sĩ bảo sẽ phải phẫu thuật thêm vài lần nữa. Trước đây, con gái tôi rất ít cười vì mặc cảm, tự ti. Tôi hy vọng, sau quá trình điều trị này, cháu sẽ có cuộc sống mới vui vẻ, hạnh phúc hơn”.

Nụ cười trẻ em là tâm điểm hướng đến

Theo bác sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc BVĐK tỉnh Đắk Nông, tại Việt Nam, cứ khoảng 500 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị dị tật khe hở môi/vòm miệng. Thế nhưng, điều kiện phẫu thuật lại rất thấp vì chi phí cho một ca điều trị lên đến hàng chục triệu đồng. Đối với những gia đình vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn thì đó là số tiền không nhỏ. Và cứ thế, những đứa trẻ bất hạnh buộc phải mang trên gương mặt mình nụ cười méo mó trong suốt những năm tháng tuổi thơ, có em còn phải mang đến suốt cuộc đời.

Bác sĩ Trần Thanh Vương, Trưởng khoa Răng-Hàm-Mặt (BVĐK tỉnh) cho biết thêm: “Vấn đề chung của những trẻ bị dị tật khe hở môi/vòm miệng đó là nói không tròn vành, rõ chữ, ăn uống hết sức khó khăn, dễ bị các bệnh như suy hô hấp, suy dinh dưỡng… Điều đáng lo ngại nữa chính là tâm lý tự ti, mặc cảm của trẻ khi lớn lên. Không chỉ bản thân các em mà gia đình cũng chịu nhiều tác động về mặt tâm lý”.

Trước thực tế đó, từ năm 2008, với sự tài trợ của các tổ chức từ thiện, BVĐK tỉnh đã triển khai các chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ em. Nhưng ở nhiều địa phương, vì một số lý do nào đó, nhiều gia đình chưa tiếp cận thông tin nên không ít trẻ mất đi cơ hội.

Bác sĩ Vương cho biết thêm: “Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp các cháu đến bệnh viện muộn, việc phẫu thuật rất khó khăn, không thể hoàn trả lại gương mặt ban đầu cho các cháu được. Mỗi trường hợp như thế, các bác sĩ lại cảm thấy tiếc, thấy buồn cho các cháu. Chúng tôi chỉ mong các bậc phụ huynh nắm được thông tin, đưa các cháu đến thật sớm, sẽ đỡ khổ cho các cháu”.

Các y, bác sĩ thăm hỏi, kiểm tra sức khỏe của trẻ sau khi phẫu thuật

Vì vậy, khác với những lần trước, chương trình phẫu thuật miễn phí lần này kéo dài trong thời gian 1 năm. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng được đẩy mạnh đến các địa bàn dân cư, nên người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin để đưa con em đến khám và phẫu thuật một cách sớm nhất. Giám đốc BVĐK tỉnh Trần Thanh Bình cho biết: “Chương trình phẫu thuật khe hở môi/vòm miệng không chỉ giúp trẻ em được phẫu thuật miễn phí, người nhà được hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển của bệnh viện, nhất là trong lĩnh vực răng-hàm-mặt”.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Tổ chức Smile Train Việt Nam, chương trình phẫu thuật miễn phí không đơn thuần là một hoạt động trong lĩnh vực y khoa mà còn là cầu nối xã hội, chủ động tìm kiếm, kết nối và chia sẻ với bất hạnh của trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mục đích của chương trình đó là cố gắng xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn mà ở đó, nụ cười của trẻ em chính là tâm điểm hướng đến.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp trẻ em dị tật bẩm sinh tìm lại nụ cười
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO