Góc khuất phía sau khu tái định cư thủy điện Đồng Nai 3 (kỳ 2)

Bình Minh| 20/07/2016 14:36

Cần sớm giải quyết vấn đề cốt lõi đất sản xuất cho dân

ADQuảng cáo

Sau gần 6 năm về nơi ở mới, hơn 540 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở khu tái định cư xã Đắk P’lao (Đắk Glong) vẫn không có đất sản xuất khiến tình trạng đói nghèo gia tăng. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới 112 hộ dân bỏ hoang hóa nhà cửa đi làm thuê ở địa phương khác hoặc quay về nơi ở cũ.

Dù đã được cấp đất sản xuất nhưng nhiều hộ dân đành bỏ hoang vì đất quá dốc lại xa nguồn nước

Hộ nghèo tăng đột biến

Theo thống kê của UBND xã Đắk P’lao thì từ năm 2010 đến nay, 550 hộ gia đình trên địa bàn đã nhận tổng số tiền đền bù từ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 lên tới gần 400 tỷ đồng. Dù nhận đền bù dự án thủy điện rất lớn nhưng nhiều gia đình ở “xã tỷ phú, triệu phú” này của huyện Đắk Glong đang rơi vào bi kịch đói nghèo do tiêu xài phung phí.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND xã Đắk P’lao cho biết: “Số tiền được đền bù lớn nhưng do không biết chi tiêu nên đến nay, người dân đã chi tiêu hết sạch rồi. Nguyên nhân chính là do khi đến khu tái định cư, đất sản xuất chưa có, nghề nghiệp thì không nên có tiền rồi bà con cứ thế tiêu xài thoải mái. Gia đình nào cũng hết tiền rồi, hết lâu rồi, giờ họ chủ yếu đi làm thuê làm mướn kiếm ăn từng bữa nên cuộc sống rất khó khăn”.

Ông Nguyễn Đức Hải cũng cho biết thêm: “Hiện nay, số hộ nghèo và cận nghèo của xã đã tăng lên 80%, trong đó hộ nghèo là 75%. So với trước đây chưa nhận tiều đền bù số hộ nghèo đã tăng gấp đôi so với trước đây”.

Được biết, nhiều hộ gia đình trong xã hiện nay đang rơi vào cảnh thiếu đói. Số tiền làm thuê, làm mướn kiếm được dùng hết vào mua gạo, còn thức ăn chủ yếu vào rừng lấy lá bép về nấu canh. Bữa cơm trưa của gia đình anh K’Mho rất đạm bạc, chỉ có mỗi hai cái nồi, một nồi cơm và một nồi canh lá bép.

Anh K’Mho cho biết: “Có ăn như thế này là tốt lắm rồi, nhiều hôm gia đình mình còn không có gạo nấu ăn nữa. Tôi cũng lo lắm vì năm học tới đây lấy đâu ra tiền cho con ăn học nữa”.  

Bốc thăm nhận đất sản xuất... trên giấy

Đã nhiều lần, chủ đầu tư và chính quyền địa phương tiến hành họp dân hứa, ký cam kết đúng thời điểm của năm này, năm kia sẽ bố trí đất cho bà con, rồi tổ chức bốc thăm nhưng người dân thất vọng vì đợi mãi vẫn chưa có đất sản xuất.

Ông K’Tong đã 3 lần bốc thăm nhận đất sản xuất, nhưng đã hơn 4 năm nay, trên tay ông vẫn là 3 tờ giấy bốc thăm chứ chưa hề nhận được đất. Không có đất sản xuất, hằng ngày ngoài việc đi làm thuê cuốc mướn thì gia đình ông còn đi hái rau rừng để kiếm cái ăn.

Ông K’Tong buồn rầu nói: “Mùa mưa đến, công việc làm thuê càng khó khăn nên tôi phải vào rừng lấy măng kiếm sống, lội rừng cả ngày cũng chỉ kiếm được vài chục kg măng, bán được khoảng 40.000 đồng. Khoản tiền ít ỏi này phải trang trải cho 5 miệng ăn của gia đình. Vì vậy, nhiều năm nay vợ tôi lâm bệnh nặng nhưng không có tiền chữa bệnh”.

Gia đình bà Glồng ở thôn 1 đã 2 lần bốc phiếu đất sản xuất nhưng cũng chỉ là trên giấy. Bà Glồng cho biết: “Gia đình đã nhiều lần ra diện tích đất được bốc thăm, phân lô để sản xuất nhưng thực tế đất đã có chủ hết rồi. Họ không cho làm nên gia đình tôi cũng đành chịu. Chính quyền huyện, xã, rồi chủ đầu tư cũng đã họp dân tuyên truyền, hứa nhiều lần bố trí đất sản xuất cho người dân. Thế nhưng, hứa mãi, người dân cũng đợi mãi mà không thấy đất đâu. Tôi đề nghị chính quyền địa phương và chủ đầu tư phải giữ uy tín với bà con và nhanh chóng cấp đất sản xuất cho người dân”.

Ông K’Trời thì tâm sự: “Tiền đền bù bà con tiêu hết rồi. Đất sản xuất không có, người dân giờ chủ yếu đi làm thuê, làm mướn lấy tiều mua gạo, còn thức ăn chủ yếu là lên rừng lấy lá bép về nấu. Gia đình tôi có 3 cháu đang đi học, cuộc sống khó khăn như thế này không biết lấy gì để cho mấy đứa ăn học”.

ADQuảng cáo

Có đất sản xuất vẫn đói nghèo

Ông K’Bảy, Trưởng thôn 3 cho biết: “Khi nhận được 4 sào đất, tôi đã trồng cà phê, mặc dù chăm bón mất nhiều công sức, nhưng gần 4 năm rồi cây lớn nhất cao chưa đầy một mét, cây không cho trái, nên đành bỏ hoang để đi làm thuê”.

Từ khi chuyển đến nơi ở mới, gia đình anh Hoàng Văn Dọng luôn phải đối mặt với đói nghèo triền miên. Được cấp 8 sào đất nhưng do đất dốc, không có nước tưới nên các loại cây nông nghiệp anh Dọng trồng gặp nắng hạn chết sạch, buộc phải chuyển sang trồng cây mì. Chỉ được một vụ đầu tiên cây sắn cho củ, các vụ trồng tiếp theo củ sắn chẳng thể nào lớn được, củ to nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái. Quanh năm “bán mặt cho đất” nhưng cũng không đủ ăn, gia đình đành bỏ đất hoang hóa và chọn giải pháp đi làm thuê kiếm sống qua ngày.

Còn gia đình anh K’Mho cũng đã được cấp 8 sào đất sản xuất. Nhưng 2 năm nay, gia đình anh trồng sắn chỉ thu hoạch được vài chục kg vì đất quá dốc lại xa công trình thủy lợi nên canh tác rất khó khăn. Năm nay, gia đình anh dự kiến sẽ bỏ đất hoang vì sản xuất không hiệu quả.

Theo thống kê của UBND xã Đắk P’lao thì toàn xã hiện đã có 95 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích khoảng 83,75 ha. Nhiều hộ trong số này trước đây đã bốc thăm nhận đất nay phải trả lại do đất dốc đồi trọc, khô cằn, không có nước tưới, hoặc bị tranh chấp không thể sản xuất được.

Gia đình ông K'Biêng sống trong cảnh tạm bợ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng

Đất sản xuất cần được bảo đảm

Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án Thủy điện 6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiến hành khai hoang 650 ha đất sản xuất để cấp cho dân theo quy định. Thế nhưng qua kiểm tra, đánh giá của Sở Nông nghiệp - PTNT thì chỉ có 164 ha đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp, số còn lại phải chuyển qua đất trồng rừng sản xuất.

Trong tổng số 460 hộ dân thuộc khu tái định cư đủ điều kiện cấp đất sản xuất, thì đến nay chỉ có 95 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích khoảng 83,75 ha, số còn lại chưa hề được cấp đất. Một số hộ trước đây đã bốc thăm nhận đất nay phải trả lại do đất dốc đồi trọc, khô cằn, không có nước tưới.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện phân lô cắm mốc số diện tích 164 ha đủ điều kiện sản xuất và tổ chức chia cho các hộ do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý Dự án thủy điện 6 với chính quyền địa phương dẫn đến tình trạng tranh chấp đất canh tác khiến các hộ dân ở Đắk P’lao được phân chia đất không thể tổ chức sản xuất được.

Ông Lê Quang Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “UBND huyện xác định, việc giải quyết đất sản xuất cho người dân là nhiệm vụ rất quan trọng trong thời gian tới. Việc để xảy ra những tồn tại trong định canh, định cư ở Đắk P’lao có trách nhiệm của chính quyền địa phương và chủ đầu tư. Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 là giải quyết đất canh tác cho người dân”.

Ông Trần Đức Quân, Phó Ban quản lý Dự án Thủy điện 6 lại cho rằng: “Dự án khu tái định xã Đắk P’lao là do UBND huyện Đắk Glong chủ trì quy hoạch, chúng tôi không được chủ động mà chỉ biết thực hiện theo. Quỹ đất là của địa phương, nhân dân là của địa phương do địa phương quản lý, chỉ có chính quyền địa phương mới có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất, chúng tôi chỉ thực hiện phần khai hoang và bảo đảm kinh phí thực hiện dự án. Ngay cả việc chia đất cho dân, chi tiền đền bù cho dân cũng do huyện,  xã, Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện Đắk Glong thực hiện, chúng tôi chỉ đứng ra chủ trì kinh phí. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, đo đạc diện tích đất đã khai hoang trước đây để  chia lại đất cho dân và cố gắng giải quyết trong năm 2016”.

Được biết, hiện nay UBND tỉnh chỉ đạo huyện Đắk Glong khẩn trương rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đủ điều kiện đối với 164 ha đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp. Đối với diện tích còn lại là 486 ha không đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp, tỉnh sẽ chỉ đạo quy hoạch cho đất lâm nghiệp và lập hồ sơ cấp đất lâm nghiệp cho các hộ dân. Phần đất bị lấn chiếm, tranh chấp, UBND tỉnh cũng đã đề nghị huyện tập trung tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm đối với những trường hợp cán bộ, đảng viên có đất xâm lấn và chây ỳ không chịu trả lại đất.

Những hộ dân chưa được cấp đất tái định canh, Huyện ủy, UBND huyện Đắk Glong lấy ý kiến của người dân về phương án xử lý theo hướng nhận tiền hoặc nhận đất nhằm bảo đảm sự đồng thuận của người dân và phù hợp với quy định của pháp luật. Riêng khu vực khai hoang mới với diện tích 206 ha, huyện Đắk Glong hiện nay cũng đang phối hợp với chủ đầu tư rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải quyết những tranh chấp phát sinh.  

Hơn 800 tỷ đồng đã được đầu tư xuống sườn đồi bát úp khu tái định cư xã Đắk P’lao, bình quân mỗi hộ dân được đầu tư gần 1,5 tỷ đồng. Công trình thủy điện Đồng Nai 3 đã đi vào hoạt động gần 6 năm nay. Thế nhưng, hiện nay người dân đã hy sinh đời sống cho thủy điện vẫn đối mặt với đói nghèo triền miên. Nguyện vọng mong chờ lớn nhất của người dân trước mắt cũng như lâu dài là chủ đầu tư và UBND tỉnh sớm giải quyết những bất cập để bố trí cấp đất sản xuất cho bà con có kế sinh nhai.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góc khuất phía sau khu tái định cư thủy điện Đồng Nai 3 (kỳ 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO