Hãy cùng “giữ lửa” bếp ăn tình thương!

Vũ Trang| 19/12/2017 09:58

Là địa chỉ nhân đạo tại các cơ sở y tế, hơn 10 năm qua, các bếp ăn tình thương vì bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn hiệu quả phục vụ, góp phần giúp nhiều bệnh nhân nghèo vơi bớt khó khăn trong những ngày điều trị bệnh.

ADQuảng cáo

Các cá nhân, tập thể tham gia ủng hộ quỹ Bếp ăn tình thương

Chỗ dựa của nhiều bệnh nhân nghèo

Nằm khiêm tốn trong một góc của khuôn viên, nhưng từ khi đi vào hoạt động, đến nay, Bếp ăn tình thương tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã trở thành địa chỉ tin cậy, là chỗ dựa của nhiều bệnh nhân nghèo. Hơn 10 giờ sáng, nhiều bệnh nhân đã đến và trình phiếu để lấy suất ăn. Những nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của bệnh nhân hay thân nhân của người bệnh hiện rõ trên khuôn mặt khi được chia sẻ những khó khăn vất vả qua những bữa ăn đầy nghĩa tình.

Sơ Phan Thị Quảng - người đã gắn bó nhiều năm với bếp ăn tình thương cho biết: “Bếp ăn được thành lập từ tháng 8/2007, lúc đầu phần lớn kinh phí do Quỹ SIDA (Thụy Điển) tài trợ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2010, nguồn kinh phí của quỹ bị cắt, hoạt động của bếp ăn từ đó cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ lòng hảo tâm, nhiệt tình từ các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh mà đến nay, bếp ăn vẫn được duy trì để chia sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo”.

Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, hàng năm, mặc dù đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn đã hết lòng khám, chữa bệnh, song vẫn có nhiều bệnh nhân nghèo bỏ điều trị hay kiên quyết xin về khi bệnh chưa khỏi vì lý do không có cơm ăn để tiếp tục chữa bệnh. Xuất phát từ thực tế đó, mô hình bếp ăn tình thương vì bệnh nhân nghèo ra đời. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 5 bếp ăn tình thương tại BVĐK tỉnh và BVĐK các huyện: Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil và 2 bếp ăn phục vụ cơm, cháo định kỳ hàng tuần tại BVĐK các huyện Đắk R’lấp và Chư Jút.

Ấm áp những tấm lòng thiện nguyện

Thực tế, các bếp ăn tình thương được “giữ lửa”, duy trì cho đến nay chính là nhờ tấm lòng của những tình nguyện viên, sự đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Tính đến tháng 10/2017, Ban Chỉ đạo Bếp ăn tình thương vì bệnh nhân nghèo tỉnh đã tiếp nhận sự đóng góp, ủng hộ của 195 cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, với tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Bếp ăn tình thương các huyện đã vận động xây dựng quỹ hoạt động từng năm với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, một số tổ chức tôn giáo, câu lạc bộ, nhóm tình nguyện cũng tự đứng ra vận động các nguồn lực phục vụ hơn 145.300 suất cơm, cháo, sữa miễn phí cho bệnh nhân nghèo với trị giá  gần 2,4 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Đơn cử như Tịnh xá Ngọc Đạt ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) đã phục vụ được hơn 7.300 suất cháo cho bệnh nhân nghèo tại BVĐK tỉnh và hơn 2.400 suất cơm cho bệnh nhân nghèo tại BVĐK huyện Đắk Glong. Thầy Thích Giác Nhường, Tịnh xá Ngọc Đạt chia sẻ: “Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, các phật tử vừa vận động kinh phí, vừa trực tiếp đóng góp thời gian, tiền của, công sức để nấu những bữa cơm, cháo phục vụ bệnh nhân nghèo. Dù thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị nhưng ai cũng vui vì giúp đỡ được những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội”.

Tương tự, hoạt động tình nguyện từ năm 2013, hàng ngày Giáo xứ Xã Đoài (Đắk Mil) thường xuyên phục vụ khoảng 120 suất cơm, mỗi suất trị giá 13.000 đồng cho bệnh nhân nghèo đang điều trị bệnh tại BVĐK huyện Đắk Mil. Câu lạc bộ Trái tim nhân ái (Đắk R’lấp), với nguồn quỹ vận động được, mỗi tuần tham gia phục vụ 50 suất cháo dinh dưỡng, sữa cho bệnh nhân BVĐK huyện Tuy Đức và 200 suất cháo/tuần tại BVĐK huyện Đắk R’lấp.

Tuy giá trị vật chất của mỗi suất ăn không nhiều, nhưng đây là những bữa ăn thấm đượm tình người. Sự cảm thông, chia sẻ này đã phần nào giúp người bệnh vơi đi nỗi đau của bệnh tật, có thêm động lực để cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Từ năm 2007 đến tháng 10/2017, các bếp ăn tình thương đã phục vụ 543.638 suất cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo, với tổng số tiền hơn 6,7 tỷ đồng.

Đang gặp khó

Theo bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh, thời gian qua, để “giữ lửa” cho các bếp ăn tình thương, công tác tuyên truyền, vận động, thu hút các nguồn lực trong xã hội luôn được các cấp hội chú trọng. Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên sự đóng góp, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ngày càng giảm. Đơn cử, năm 2010, tỷ lệ các cơ quan tham gia ủng hộ xây dựng quỹ bếp ăn tình thương đạt 26,9%, nhưng đến năm 2017 giảm còn 9,6%.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 41 doanh nghiệp, xí nghiệp, tiểu thương đăng ký ủng hộ bếp ăn tình thương, nhưng đến nay chỉ còn 9/41 đơn vị còn hỗ trợ thường xuyên. Trong khi đó, nhu cầu cần hỗ trợ suất ăn miễn phí của bệnh nhân nghèo ngày càng nhiều. Điều này đã gây nhiều khó khăn trong việc triển khai bếp ăn tình thương tại các bệnh viện.

Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động đang được tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng hơn nhằm huy động tối đa nguồn lực đóng góp xây dựng Quỹ bếp ăn tình thương. Điều mà tỉnh mong muốn nhất là các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cần chung sức, tham gia góp sức, góp phần duy trì và nhân rộng mô hình bếp ăn tình thương trong toàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy cùng “giữ lửa” bếp ăn tình thương!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO