Hiến tạng, hiến xác - việc nghĩa nên làm

Hoàng Hoài| 12/12/2016 11:09

Hiểu được ý nghĩa của việc hiến tạng, hiến giác mạc, hiến xác đối với bệnh nhân có nhu cầu, thời gian qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trong tỉnh Đắk Nông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến các tầng lớp nhân dân.

ADQuảng cáo

Theo đó, Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp lồng ghép trong các lớp tập huấn về mục đích, ý nghĩa của việc hiến mô, hiến tạng, hiến bộ phận cơ thể người cho toàn thể cán bộ, hội viên CTĐ các cấp. Từ đó, các cấp hội tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên và nhân dân trên địa bàn mình phụ trách. Hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 100 hội viên và tình nguyện viên đăng ký hiến giác mạc, hiến mô, hiến tạng gửi về Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia để xác nhận thông tin, tư vấn cụ thể và cấp thẻ đăng ký. Những người đăng ký hiến chủ yếu là giáo viên, cán bộ hội CTĐ, tín đồ Phật giáo...

Điển hình như trường hợp chị B ở thị xã Gia Nghĩa đã được cấp thẻ đăng ký khoảng 2 năm nay. Theo chị B, ban đầu, chị cũng suy nghĩ, đắn đo xem có nên đăng ký hiến tạng hay không, nhưng sau khi tìm hiểu thấy nếu sau này mình mất đi mà còn giúp ích được cho người khác thì chính là việc nghĩa nên làm. Chị B cho biết: “Con người ai cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Cho nên, việc hiến tạng, hiến bộ phận cơ thể người sẽ góp phần giúp cho người khác được tiếp tục sống cuộc sống bình thường, vậy thì tại sao mình không làm”. Hay như ông P ở huyện Đắk R’lấp cũng tự nguyện đăng ký hiến toàn bộ cơ thể người sau khi mất hoặc chết não cho Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia. Ông P cũng mong muốn khi mình mất đi thì những bộ phận trên cơ thể sẽ giúp cho những người có nhu cầu tiếp tục được sống khỏe mạnh.

Theo bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, đối với tỉnh Đắk Nông, hiến tạng, hiến giác mạc và bộ phận cơ thể người là hoạt động còn mới mẻ, nên còn nhiều khó khăn trong tuyên truyền, vận động. Đa số người dân chưa hiểu được ý nghĩa của việc làm này. Hơn nữa, theo tâm linh của người Việt muốn chết toàn thây, nên để tuyên truyền thay đổi tư duy, suy nghĩ là việc lâu dài. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ hội các cấp lại chưa được đào tạo nghiệp vụ tuyên truyền. Các tài liệu liên quan đến công tác này hầu như không có, cán bộ hội chủ yếu lấy thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để tư vấn, vận động người dân tham gia nên tính hiệu quả chưa cao. Các thông tin về cấp thẻ xác nhận người hiến mô, hiến tạng đều do Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia quản lý, nên việc nắm bắt thông tin và phối hợp với các ngành thực hiện tiếp nhận chưa kịp thời.

ADQuảng cáo

Có thể nói, ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết hoặc chết não. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.

Cũng theo bà Bình, thời gian tới, các cấp hội CTĐ sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động hiến mô, hiến tạng, hiến bộ phận cơ thể người và hiến xác. Để làm được điều này, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam và Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cần tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền vận động cho đội ngũ cán bộ làm công tác hội CTĐ các cấp.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mãn cần được ghép thận. Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan; khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiến tạng, hiến xác - việc nghĩa nên làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO