Hình thành “phong trào” xuất khẩu lao động

Thanh Nga| 12/07/2018 08:40

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được tỉnh Đắk Nông xem là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, nâng cao trình độ tay nghề và tăng thu nhập cho người lao động. Thời gian qua, với sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh, công tác XKLĐ cũng gặt hái được nhiều kết quả, với việc nhiều lao động trong tỉnh đã mạnh dạn tham gia XKLĐ.

ADQuảng cáo

Người dân huyện Đắk Glong tìm hiểu thông tin về thị trường XKLĐ tại một phiên giao dịch việc làm tổ chức trên địa bàn năm 2018

Khởi đầu cho cuộc sống mới  

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, thôn 6, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) năm nay 27 tuổi đã tìm hiểu về XKLĐ và quyết tâm học tiếng để đi làm tại Nhật Bản.

Chị Oanh cho biết: “Sau 3 năm được tuyển dụng sang Nhật Bản làm nhân viên chế biến thực phẩm, hàng tháng được trả lương khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí, bảo hiểm, thuế, tiền thuê nhà… còn dư trên 10 triệu đồng gửi về cho gia đình”. Cách đây 4 tháng, hết hợp đồng, chị Oanh về nước và tìm được việc làm tại một công ty may mặc của Nhật Bản đứng chân ở TP. Hồ Chí Minh. Nhờ thành thạo tiếng Nhật Bản nên chị được công ty phân công làm phiên dịch và quản lý kinh doanh.

Chị Oanh tâm sự: “Mặc dù yêu cầu của công ty rất khắt khe, nhưng tôi được tuyển dụng là nhờ có vốn tiếng Nhật, cộng với kinh nghiệm làm việc tại đất nước bạn. Thu nhập của tôi khởi đầu 11 triệu đồng và sẽ được công ty tăng cao theo thâm niên. Thực tế, làm việc tại Nhật Bản vừa có thu nhập nhưng vừa là một bước để mình học hỏi và phát triển trong công việc sau này. Nếu mình chịu khó học hỏi, học tập về tính kỷ luật và trau dồi tiếng Nhật thì khi về nước sẽ mang theo cả một “kho” kinh nghiệm quý báu để tổ chức, xây dựng kế hoạch cho cuộc sống của mình. Khi sang bên đó, bản thân tôi đã làm đúng giờ quy định, đồng thời dành thời gian để học hỏi cách làm việc, đi chơi, tham gia các lễ hội, trải nghiệm cuộc sống, nhất là học hỏi thêm tiếng Nhật”.

Sau 3 năm làm việc ở Nhật Bản đã đem lại cho chị Oanh nhiều cơ hội việc làm. Với những người trẻ tuổi như chị Oanh thì đó chính là khởi đầu mới đầy ý nghĩa cho cuộc sống sau này.

Không riêng gì chị Oanh, nhiều người trong độ tuổi lao động, nhất là giới trẻ đã mạnh dạn tham gia LĐXK ở nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.270 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Số lao động đã xuất cảnh sang nước ngoài làm việc chủ yếu các nghề như may công nghiệp, lắp ráp điện tử, xây dựng dân dụng, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm…

ADQuảng cáo

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thu nhập bình quân của người lao động đi XKLĐ đạt 15 triệu đồng/tháng. Phần lớn người lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước đã tích lũy được kinh phí nhất định để làm vốn phát triển sản xuất, mua sắm tài sản, tạo việc làm ổn định cho sau này. Nhiều hộ có lao động đi XKLĐ đã thoát nghèo. Lao động đi làm việc tại các thị trường như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… có thu nhập khá, cải thiện đời sống cho gia đình và vươn lên làm giàu. Đối với nhiều bạn trẻ thì việc đi XKLĐ vừa có nguồn thu nhập cao vừa học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu về lao động và tổ chức phát triển kinh tế gia đình. 

Nhiều lao động trẻ đã chú trọng tìm hiểu về thị trường XKLĐ từ công ty tuyển dụng

Thay đổi tư duy về việc làm

Để thúc đẩy công tác XKLĐ, những năm qua, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về việc làm ở nước ngoài. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có trên 4.250 lượt người được tập huấn, cung cấp thông tin về XKLĐ và trên 10.000 tờ rơi tuyên truyền về XKLĐ được phát tận tay cho người lao động tại các địa phương. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn tổ chức tuyên truyền về công tác XKLĐ cho khoảng 1.000 lao động tại 25 xã trên địa bàn tỉnh, bằng nhiều hình thức dễ tiếp cận như: tư vấn trực tiếp, hướng dẫn thủ tục, phát tờ rơi…

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động ở các xã và thường xuyên cử cán bộ xuống các xã, phường, thị trấn để triển khai, phổ biến thông tin đầy đủ cho người lao động có nguyện vọng, nhu cầu việc làm có thời hạn ở nước ngoài. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh đoàn thường xuyên tổ chức tư vấn XKLĐ cho các chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ phối hợp với các địa phương đã tư vấn cho trên 1.200 lượt lao động có nhu cầu đi XKLĐ.

Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về XKLĐ đến tận thôn, buôn, bon đã giúp người dân từng bước nâng cao nhận thức và tự nguyện đăng ký tham gia XKLĐ. Đến nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã có người đi XKLĐ. Nhiều gia đình từng có người đi XKLĐ về sau đó có thêm người thân tham gia LĐXK, và từ đó bước đầu hình thành “phong trào XKLĐ”.

Ông Trịnh Công Phái, Trưởng Phòng Việc làm-an toàn lao động (Sở LĐTB-XH) cho biết: “Thời gian qua, người lao động luôn được tư vấn và tạo điều kiện đi XKLĐ ở các nước có thu nhập cao. Người lao động sau khi về nước lại được hướng dẫn, tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề, kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, người lao động còn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi của các ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngành cũng thường xuyên phối hợp với các công ty XKLĐ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động trong suốt thời gian ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình thành “phong trào” xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO