Hoạt động vận chuyển hàng hóa và hành khách tăng

Phạm Khánh| 11/12/2019 10:07

Năm 2019, trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, không thể đầu tư, xây dựng mới các tuyến giao thông quy mô lớn, Sở Giao thông - Vận tải đã tranh thủ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ để kịp thời sửa chữa một số tuyến đường trọng điểm, góp phần thúc đẩy hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách phát triển.

ADQuảng cáo

Tuyến tỉnh lộ 1 xuống cấp đã được đầu tư sửa chữa, phục vụ giao thương, đi lại.

Lâu nay, tuyến tỉnh lộ 1 từ thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) đi vào huyện Tuy Đức bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn tuyến nền đất bị cày xới, đá trồi lên lởm chởm, kết cấu mặt đường bị phá vỡ, xuất hiện nhiều “ổ gà”, thậm chí tạo thành ao nước. Ngoài ra, các tuyến tỉnh lộ 2, 3, 4b, 5 cũng xuống cấp không kém, gây trở ngại cho người dân đi lại, buôn bán, giao thương hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Để đầu tư, xây dựng các tuyến đường này cần nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng, trong khi nguồn ngân sách của tỉnh, Trung ương hạn hẹp, khó có thể thực hiện.

Trước thực tế khó khăn trên, từ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ gần 68 tỷ đồng, Sở Giao thông - Vận tải đã triển khai sửa chữa một số tuyến tỉnh lộ xuống cấp và bảo trì các tuyến đường khác có nguy cơ hư hỏng. Biện pháp sửa chữa, khắc phục tình trạng các tuyến đường được thay đổi nhằm bảo đảm sự kiên cố lâu dài, không dàn trải như các năm trước. Cụ thể, đối với những đoạn hư hỏng nặng, được gia cố nền mặt đường bằng đá, sau đó rải thảm nhựa. Những đoạn hư hỏng nhẹ được phủ bằng nhựa nóng, bảo đảm sự liên kết, kết cấu giữa vật liệu mới và nền đường cũ. Những tuyến đường xuất hiện “ổ gà” nhiều, ngoài chọn nhà thầu uy tín, sở cũng giám sát chặt chẽ việc thi công nên bảo đảm về chất lượng, thời gian.

Giao thông thuận lợi, tạo điều kiện cho hoạt động vận tải phát triển.

ADQuảng cáo

Qua thống kê, từ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ nói trên, Sở Giao thông - Vận tải đã tổ chức sửa chữa được 226 km tuyến tỉnh lộ, tuyến đường biên giới, tạo sự thuận lợi cho người dân đi lại cũng như hoạt động giao thương hàng hóa. Nhiều địa phương vùng sâu vùng xa, trước đây đường sá đi lại khó khăn, người dân thường phải ra trung tâm huyện, thị xã đón xe thì hiện nay các chủ phương tiện đã vào tận nhà đưa, đón chu đáo.

Ông Hứa Văn Ý ở xã Long Sơn (Đắk Mil) cho biết: Những năm trước, đường sá khó đi, một số loại nông sản như bắp, sắn vào thời điểm thu hoạch rất khó tiêu thụ, không bán được kịp thời, dẫn đến hư hỏng, chất lượng kém, giá cũng bán thấp hơn nhiều. Nhưng bây giờ tuyến tỉnh lộ chạy vào trung tâm xã được sửa chữa kịp thời, không chỉ thuận tiện đi lại, nông sản của người dân cũng tiêu thụ nhanh, bán được giá.

Hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách cũng tăng về khối lượng so với năm 2018. Cụ thể, số lượng phương tiện tham gia vận chuyển hành khách là 677 xe, đạt trên 3 triệu lượt người, tăng 4,5% so với năm 2018. Ðặc biệt, có nhiều doanh nghiệp đầu tư phương tiện tham gia hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa tuyến quốc tế sang Campuchia. Lĩnh vực vận tải hàng hóa đạt gần 1,9 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm ngoái. Nhờ giao thông thuận tiện hơn, nên nhiều tư thương đưa xe vào tận nơi thu mua các loại nông sản của người dân, giảm được tình trạng ép cấp, ép giá.

Theo ông Võ Văn Hùm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, năm 2019, dù gặp khó khăn về kinh phí, nhưng ngành giao thông vẫn khắc phục, tìm mọi nguồn vốn để phần nào sửa chữa các tuyến đường hư hỏng nặng, góp phần thúc đẩy hoạt động vận tải phát triển. Những tuyến đường sau khi được sửa chữa, không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn bảo đảm an toàn lưu thông. Việc thiếu kinh phí trong đầu tư giao thông luôn là chuyện dài kỳ, thường xuyên diễn ra, điều quan trọng nhất là ngành phải có biện pháp khắc phục, góp phần sửa chữa đường kịp thời, phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động vận chuyển hàng hóa và hành khách tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO