Học nghề, hướng nghiệp nơi trại giam

Đặng Hiền| 30/12/2018 10:12

Vào tù, bên cạnh việc cải tạo, những phạm nhân ở Trại giam Đắk P’lao đóng chân tại địa bàn xã Đắk Som (Đắk Glong) còn được dạy nghề, hướng nghiệp để có thể lập nghiệp khi được trở về với xã hội, tránh giẫm lên “vết xe đổ” của quá khứ.

ADQuảng cáo

Các phạm nhân học nghề làm ghế mây. Ảnh: Phan Tuấn

Không có công ăn việc làm ổn định, Nguyễn Văn Quý (SN 1992), quê Bình Dương, buôn bán trái phép chất ma túy để kiếm tiền tiêu xài. Bị tuyên phạt 7 năm 9 tháng tù giam, Quý được đưa đến Trại giam Đắk P’lao để cải tạo đến nay đã tròn 3 năm. Vào trại giam, như bao phạm nhân khác, Quý đã được học nghề làm ghế mây. Sau một thời gian học tập, đến nay, Quý đã thành thạo các bước để hoàn thiện một chiếc ghế hoàn chỉnh.

Quý cho biết: “Mới đầu nhìn tưởng là khó nhưng sau một thời gian kiên trì học hỏi, tỉ mỉ, cẩn thận một chút là có thể làm được. Từ trước đến giờ tôi không nghĩ là mình sẽ học nghề đan như thế này. Nhưng nay được học nghề, nhìn những chiếc ghế do chính tay mình làm ra, tôi thấy vui vì bản thân cũng làm được cái gì đó có ích trên cuộc đời này”.

Vào tù vì tội giết người khi mới 22 tuổi, Nguyễn Trung Cương (SN 1992) quê Đắk Nông chấp hành án tù đến nay đã được 5 năm. Ngày chưa vào tù, Cương còn ham vui bạn bè, chưa có định hướng nghề nghiệp gì cho bản thân. Trong một cuộc nhậu với đám bạn, từ những xô xát nhỏ mà vướng vào tội giết người để rồi bị kết án 13 năm tù. Vào trại giam, Cương dần ý thức được những lỗi lầm mình gây ra, ăn năn, hối cải, cần cù lao động, cải tạo để sớm được trở về với xã hội, làm lại cuộc đời.

ADQuảng cáo

Phạm nhân học trồng trọt, có thể làm lại cuộc đời với nghề nông. Ảnh Phan Tuấn

Trong thời gian lao động cải tạo, Cương được các cán bộ trại giam dạy cho cách trồng rừng, chăm sóc cà phê, bơ, mít… Không chỉ lao động, Cương còn được đọc sách báo tại thư viện của Trại giam. Những trang sách như mở ra cho Cương một khung trời mới.

Cương cho biết: “Trước đây, tôi cũng không quan tâm đến nông nghiệp lắm. Nhưng những ngày tháng trong trại giam, học trồng trọt, đọc sách báo thấy nhiều người làm giàu từ nông nghiệp, tôi cũng muốn khi ra tù sẽ thử sức mình, làm lại cuộc đời với nghề nông. Nghề nào cũng đáng quý, miễn là có thể nuôi sống bản thân, không vi phạm pháp luật là được”.

Theo Đại úy Dương Thiết Nghị, Đội trưởng Đội giáo dục-hồ sơ, Trại giam Đắk P’lao hiện đang quản lý, cải tạo trên 1.100 phạm nhân, trong đó, có khoảng 700 phạm nhân thuộc lứa tuổi thanh niên (dưới 35 tuổi). Các phạm nhân vào đây thường có điểm chung là thiếu hiểu biết pháp luật, không có nghề nghiệp, việc làm ổn định. Thế nhưng, khi vào trại, các phạm nhân đều được cải tạo, giáo dục và học các nghề như: đan lát, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt… Căn cứ theo sức khỏe, năng khiếu mà Ban giám thị sẽ định hướng cho phạm nhân học nghề phù hợp. Việc lao động, học nghề trong trại giam sẽ giúp các phạm nhân hiểu giá trị của lao động, quý những thành quả mình làm ra, khi ra tù có được việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân để trở thành người lương thiện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học nghề, hướng nghiệp nơi trại giam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO