Hội Nông dân Đắk Glong sát cánh cùng hội viên, nông dân

Mỹ Hằng| 18/02/2016 09:05

Với việc đẩy mạnh tổ chức các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn dạy nghề, Hội Nông dân Đắk Glong đã góp phần thay đổi tư duy, cách làm ăn của hội viên, nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế của địa phương.

ADQuảng cáo

Hội Nông dân huyện Đắk Glong tổ chức cho các hội viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây chè của gia đình anh K’Song ở xã Quảng Khê

CHÚ TRỌNG CHUYỂN GIAO KHOA HỌC KỸ THUẬT

Những năm trước đây, do không nắm rõ quy trình chăm sóc, nên vườn cà phê của gia đình anh Y Đời ở bon Ka La Dơng, xã Quảng Khê luôn bị sâu bệnh, năng suất kém.

Tuy nhiên, gần đây, được tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức, anh đã nắm được các kỹ thuật cơ bản về tỉa cành, chăm bón nên vườn rẫy trở nên xanh tốt, năng suất tăng lên. Giờ đây, không chỉ biết cách tỉa cành, bón phân đúng liều lượng mà anh còn biết sử dụng vỏ cà phê làm phân vi sinh, giảm chi phí đầu tư rất nhiều.

Anh Y Đời chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 2 ha cà phê, hồ tiêu. Từ khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tôi đã chủ động hơn trong việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vườn cây. Nếu như trước đây, năng suất chỉ đạt khoảng 2,5 tấn/ha thì trong một vài năm trở lại đây, vườn cà phê của gia đình đã đạt đến 4-5 tấn/ha”.

Tương tự, cũng nhờ tham gia các lớp tập huấn do Hội nông dân tổ chức mà vườn cà phê của gia đình bà H’Jang ở bon Phi Mur, xã Quảng Khê luôn xanh tốt, ít sâu bệnh.

Theo bà H’Jang thì sau khi học hỏi được nhiều kiến thức, cùng với việc nâng cao chất lượng vườn cà phê, gia đình bà còn biết trồng xen canh một số cây trồng như mít, sầu riêng, bơ…để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Bà H’Jang nói: “Tôi thấy tham gia các lớp tập huấn, hội thảo kỹ thuật do địa phương tổ chức là rất bổ ích, nhất là giúp gia đình biết cách chọn lọc, đưa các loại giống cây trồng năng suất cao vào sản xuất đã mang lại hiệu quả đáng kể. Chỉ riêng với 2 ha cà phê, niên vụ vừa qua, gia đình thu về hơn 6 tấn nhân”.

ADQuảng cáo

Theo Hội Nông dân huyện Đắk Glong thì các hoạt động tập huấn, hỗ trợ, tư vấn cho các hội viên, nông dân luôn được chú trọng thực hiện và triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nổi bật nhất là việc triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp...

Chỉ tính riêng năm 2015, Hội đã tổ chức được 56 lớp tập huấn, 21 cuộc hội thảo với hàng ngàn lượt hội viên, nông dân tham dự. Đặc biệt, trong khuôn khổ hoạt động của Dự án Oxfam và thực hiện Chỉ thị 18 của Tỉnh ủy, Hội đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức tập huấn về quy trình thành lập mô hình tổ hợp tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, các hoạt động tham quan các mô hình phát triển kinh tế mới cũng được thực hiện.

Cụ thể, Hội tổ chức cho 13 hội viên tham quan mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót lên men và kỹ thuật nuôi heo bằng thức ăn ủ men tại huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng); đưa 18 người tham quan mô hình trồng tiêu tại huyện Đắk Song. Hội còn tổ chức chuyến khảo sát đánh giá năng lực sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp để liên kết sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm tại các tỉnh Đồng Tháp, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh.

VÀ ĐÀO TẠO, TƯ VẤN DẠY NGHỀ

Thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, Hội đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức 11 lớp với sự tham gia của 342 học viên. Hầu hết các lớp dạy nghề đều được tổ chức trên cơ sở khảo sát nhu cầu của hội viên như trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa cơ khí, máy móc nông nghiệp. Trong đó, học viên là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%, chủ yếu tại các xã Đắk R’măng, Đắk Som, Quảng Khê, Đắk P’lao…

Từ các lớp học nghề, người dân đã có thêm những kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi như kỹ thuật bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, biết cách phát hiện và xử lý các bệnh thường gặp trên vật nuôi, phân bổ lượng thức ăn hợp lý…

 Điển hình như anh K’Tâm ở xã Đắk Som sau khi tham gia lớp trồng trọt và bảo vệ thực vật đã áp dụng những kiến thức được học vào sản xuất, nên năng suất cây trồng ngày càng tăng, thu nhập của gia đình cũng từng bước ổn định. Anh K’Tâm chia sẻ: “Gia đình tôi chủ yếu làm nông nghiệp. Do đó, ngay từ đầu, bản thân tôi đã xác định theo học nghề trồng trọt hoặc chăn nuôi để phục vụ cho thực tế sản xuất của gia đình, đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Theo ông Đặng Cảm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Glong thì để nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất,  Hội đang tiếp tục chỉ đạo các cấp hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhất là các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của tỉnh và mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Cùng với việc phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề, tập huấn, cung ứng phân bón trả chậm, Hội tập trung vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện các chương trình, mô hình, dự án phát triển nông lâm nghiệp, hợp tác xã, trang trại, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Nông dân Đắk Glong sát cánh cùng hội viên, nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO