Khơi nguồn sáng tạo âm nhạc

Mỹ Hằng| 06/12/2022 08:55

Để góp phần tuyên truyền, quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, vùng đất, con người Đắk Nông đến công chúng, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đắk Nông tổ chức Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Đắk Nông” lần thứ I. Cuộc thi trở thành sân chơi bổ ích, khơi nguồn sáng tạo âm nhạc, thu hút đông đảo các nhạc sĩ chuyên, không chuyên trên cả nước tham gia.

ADQuảng cáo

Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Đắk Nông”, được tổ chức hướng tới tạo sân chơi ý nghĩa dành cho tất cả các nhạc sĩ chuyên và không chuyên có kỷ niệm, hiểu biết, yêu mến vùng đất, con người Đắk Nông… Do đó, ngay sau khi phát động, cuộc thi nhanh chóng lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng từ các tác giả trên khắp mọi miền đất nước. Cụ thể, sau gần 1 năm phát động (từ tháng 9/2021 đến hết ngày 31/8/2022), Ban Tổ chức đã nhận được 70 tác phẩm của 52 tác giả/nhóm tác giả đến từ 25 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó, đông nhất là tác phẩm của các tác giả/nhạc sĩ đến từ thủ đô Hà Nội và tỉnh Đắk Nông.

Cuộc thi đã thu hút đông đảo nhạc sĩ chuyên, không chuyên khắp cả nước tham gia

Theo đánh giá của Ban tổ chức, các ca khúc dự thi có nội dung khá phong phú và đa dạng, đáp ứng được yêu cầu đưa ra. Hầu hết tác phẩm dự thi phản ánh nét đẹp của vùng đất, con người, bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo, truyền thống, lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất, chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc; tinh thần đoàn kết, sáng tạo, cần cù trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, phát triển bền vững…

Các tác giả chủ yếu dùng chất liệu âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên. Một số ca khúc đã mạnh dạn đưa vào các tiết tấu mới, tạo được cảm xúc mới lạ, hấp dẫn (tuy chưa nhiều và chưa đạt đến sự sáng tạo độc đáo, ấn tượng). Điển hình như tác phẩm “Men say Bu Noong” của nhạc sĩ Quốc Vinh (Phan Quốc Vinh) với tên gọi đầy ẩn ý, vừa mang cảm xúc chân thật của con người đang sinh sống trên mảnh đất Đắk Nông thân thương. Ca khúc mô tả một giấc mơ trong cơn say về Đắk Nông tươi đẹp với những cánh rừng đại ngàn có những con thác hùng vĩ và một bề dày văn hóa đầy lôi cuốn. “Nào cùng vít rượu cần cho trời ngả nghiêng, hỡi người thương, hỡi tình yêu của em/ Trái tim đó thẳm sâu từ đại ngàn bazan, địa ngàn Bu Noong hoang sơ mời gọi… Anh đến bên em để bay lên cùng gió ngàn, để phiêu du cùng gió ngàn…”. Tác phẩm “Men say Bu Noong” được các thành viên Ban Giám khảo thống nhất chấm điểm, trao giải nhất cuộc thi.

ADQuảng cáo

Văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa là chất xúc tác để sáng tạo ra những ca khúc đậm chất Tây Nguyên

Đối với văn nghệ sĩ, Cuộc thi “Sáng tác tác ca khúc về Đắk Nông” là nơi nghệ sĩ có thể bay bổng, sáng tác những ca khúc hay, ý nghĩa về mảnh đất và con người Đắk Nông. Nhạc sĩ Quốc Vinh chia sẻ: “Không sinh ra và lớn lên ở Đắk Nông, nhưng tôi có thời gian sống, làm việc tại nơi này. Cảnh sắc và văn hóa truyền thống của các dân tộc nơi đây luôn có sức cuốn hút kỳ lạ để tôi sáng tác nên những tác phẩm âm nhạc mang hơi hướng của cao nguyên M’nông này”.

Còn nhạc sĩ Y Phôn Ksor (Đắk Lắk) cho biết: “Tôi gắn bó với quê hương Đắk Nông (trước đây thuộc Đắk Lắk) hàng chục năm nay - mảnh đất chứa chan tình đất, tình người. Đó là nguồn cảm hứng dồi dào cho thi ca, hội họa và âm nhạc. Thật rất vui khi Đắk Nông tổ chức Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Đắk Nông”, để anh em nghệ sĩ chúng tôi có thể thỏa sức sáng tác những ca khúc đậm chất về con người, cảnh sắc văn hóa Đắk Nông và dòng chảy bên trong đời sống, tâm hồn con người Đắk Nông”.

Đặc biệt, trong 70 ca khúc dự thi có ít nhất khoảng 1/3 ca khúc nếu được dàn dựng tổ chức biểu diễn hoặc tuyên truyền sẽ đi vào đời sống công chúng yêu nhạc trong và ngoài tỉnh. Ban Tổ chức cuộc thi kỳ vọng các tác phẩm được lựa chọn trao thưởng sẽ phát huy giá trị nghệ thuật, tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng, có sức lay động, lan tỏa, truyền cảm hứng để khích lệ người dân thêm yêu mến, tự hào về vùng đất, con người Đắk Nông.

Tác phẩm "Men say Bu Noong" của Nhạc sĩ Quốc vinh- Nguyễn Quốc Học đạt giải nhất

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi nguồn sáng tạo âm nhạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO