Không là quá sớm để dạy trẻ về việc sử dụng tiền

Hoàng Bảo| 07/12/2018 10:16

Hiện nay, tại một số trường học, tình trạng học sinh lấy cắp tiền, vật dụng của bố mẹ, người quen, bạn bè vẫn còn diễn ra. Vì vậy, việc giáo dục kỹ năng sống, giúp các em hướng đến lối sống lành mạnh, có ích, tránh xa các tệ nạn xã hội là điều mà các trường học, phụ huynh cần quan tâm.

ADQuảng cáo

Đọc sách, báo nhi đồng cũng là một trong những cách giúp các em học hỏi những điều hay trong cuộc sống và tránh xa những thói hư tật xấu

Vô tình làm hư con

Mới đây, chúng tôi đến một trường THCS ở xã Nam Bình (Đắk Song) để tác nghiệp, khi trao đổi về công tác giáo dục, nhiều thầy cô giáo ở đây đã không giấu nỗi lo về việc một số em học sinh lấy tiền bố mẹ, các vật dụng của bạn, tiền hoạt động của lớp để mua sắm, chơi game hay làm những việc cá nhân khác.

Một thầy giáo kể về trường hợp một học sinh nữ lớp 9, bình thường luôn ngoan ngoãn, nên việc lớp mất tiền quỹ hay các bạn mất vật dụng cá nhân, không ai nghi ngờ gì đến em. Vậy nhưng, qua tìm hiểu, dần dà các giáo viên mới vỡ lẽ, em thường xuyên lấy cắp đồ của các bạn. Từ đó, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với gia đình và trực tiếp nói chuyện với em để tìm hiểu nguyên nhân, mục đích lấy cắp để có sự giáo dục thích hợp. Có em thì lấy hẳn 1,5 triệu đồng của bố mẹ để cho các bạn rồi mua quà vặt. Đến khi biết được chuyện, giáo viên phải gặp gỡ gia đình nói về việc làm của em để hai bên phối hợp giáo dục.

Trên thực tế, việc học sinh lấy tiền bố mẹ, bạn bè để sử dụng vào mục đích cá nhân còn xảy ra ở các trường học khác trong tỉnh. Chị Đỗ Thị Tâm ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) có con đang học lớp 8 kể, trong lớp của con chị, một bạn ngày nào cũng có nhiều tiền, có khi cả tờ 500.000 đồng. Ban đầu, nghe con kể lại, chị nghĩ chắc phụ huynh nào đó khá giả cho con tiền tiêu hay mua vật dụng học tập... Mãi sau này, chuyện vỡ lở ra, chị mới biết, tiền này là do em đó lấy của bố mẹ. Cũng có những em học trường này nhưng lại đến trường khác lấy trộm “heo đất” để mua thẻ đồ chơi, đồ ăn vặt, game…

ADQuảng cáo

Theo các nhà tâm lý học, biết cách tiêu tiền, biết quý trọng giá trị đồng tiền, biết quản lý tiền bạc là những bài học, những thói quen tốt đóng vai trò vô cùng quan trọng để trẻ lớn lên có thể trưởng thành, vững vàng, bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Không bao giờ là quá sớm để dạy trẻ về việc sử dụng tiền vì ở mỗi độ tuổi, trẻ cần biết cách nhận biết, tiêu tiền phù hợp để không bỡ ngỡ.

Trẻ cần biết cách nhận biết, tiêu tiền phù hợp

Thầy giáo Lê Ngọc Định, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú, xã Nam Bình (Đắk Song) cho biết: “Các em học sinh THCS đang trong giai đoạn chuyển từ tò mò sang muốn trải nghiệm. Do đó, nhà trường luôn cố gắng dạy chữ song hành dạy người, có nghĩa là dạy cho các em kỹ năng sống để tránh xa các tệ nạn xã hội, cách làm con ngoan trò giỏi, người có ích cho xã hội, yêu thương, đoàn kết, sẻ chia với cha mẹ, thầy cô và bạn bè. Các thầy, cô giáo chủ nhiệm cũng luôn sâu sát, kịp thời phát hiện những em có những hành vi, thái độ chưa tốt để phối hợp uốn nắn, giúp các em đi đúng hướng. Trong trường cũng có một vài em lỡ lấy cắp tiền của bạn, bố mẹ, nhưng khi được giáo viên kịp thời uốn nắn thì đã sửa chữa”.

Ngoài dạy chữ, việc dạy các em kỹ năng mềm cũng cần được chú trọng

Chị Đỗ Thị Tâm nói: “Ngày nào tôi cũng nói chuyện với con, hôm nay mẹ làm những việc gì, công việc vất vả hay như thế nào đó để có tiền mua sách vở, cơm gạo hàng ngày cho con. Tôi còn cho con xem một số quyển sách về giáo dục tính tiết kiệm để con hiểu và trân trọng những đồng tiền, nhất là tránh xa những thói xấu. Tuy nhiên, tôi thấy sự quan tâm, để ý đến sự thay đổi của con vào mỗi độ tuổi chính là cách tốt nhất để có sự điều chỉnh cần thiết”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không là quá sớm để dạy trẻ về việc sử dụng tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO