“Kích cầu” tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Vũ Trang| 21/12/2017 09:34

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là hình thức bảo hiểm có nhiều ưu việt, giúp những người lao động tự do, người dân ở các khu vực nông thôn có thể tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

ADQuảng cáo

Tham gia BHXH tự nguyện, người lao động có điều kiện tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già

Nhiều lợi ích cho người lao động

Không muốn dựa vào con cái khi về già, chị Trần Thị Quyên, lao động tự do ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) đã tự tìm hiểu các thông tin về BHXH tự nguyện và quyết định mỗi tháng trích 400.000 đồng để lo cho tương lai sau này.

Chị Quyên cho biết: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mỗi người cần chuẩn bị cho mình một nguồn thu nhập cần thiết đủ để trang trải cuộc sống về già nên tham gia BHXH mà thôi. Tôi rất yên tâm khi chỉ vài năm nữa đóng đủ số năm BHXH tự nguyện, tôi sẽ có lương hưu như cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, góp phần bảo đảm cuộc sống khi không còn sức lao động nữa”.

Tương tự, với việc tham gia BHXH tự nguyện, hơn một năm nay, bà Nguyễn Thị Hồng Minh ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã nhận được lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng. Theo bà Minh, trước đây, bà từng tham gia công tác xã hội tại địa phương, khi có quyết định nghỉ hưu mới chỉ đóng BHXH bắt buộc được gần 16 năm. Tính ra, để được hưởng chế độ hưu trí, bà Minh phải tự đóng BHXH thêm 4 năm nữa.

Được sự tư vấn của cán bộ BHXH, bà Minh đã quyết định tích lũy đóng BHXH tự nguyện một lần để được hưởng lương hưu. Nhờ quyết định đó mà bà đã nhận được một khoản tiền lương hưu hàng tháng để lo cho bản thân khi già yếu.

Theo luật BHXH năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân được hưởng nhiều lợi ích, đó là khi đủ điều kiện về tuổi đời đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu theo quy định; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc hưởng lương hưu, chế độ tử tuất.

Số người tham gia còn thấp

ADQuảng cáo

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhưng những năm qua, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện vẫn rất khiêm tốn. Theo BHXH Việt Nam, đến nay, cả nước mới có khoảng 243.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Riêng tại tỉnh Đắk Nông, tính đến hết tháng 9/2017 cũng chỉ có 1.157 người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Trưởng Phòng khai thác và thu nợ (BHXH tỉnh), nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp là do công tác tuyên truyền, vận động, triển khai về chính sách BHXH chưa thực sự sâu rộng, thiếu đồng bộ. Vì vậy, nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, ý nghĩa cũng như quy trình, thủ tục đăng ký khi tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp... thường có thu nhập thấp và không ổn định. Mặc dù mức đóng BHXH tự nguyện tuy có thay đổi theo khả năng của người đóng nhưng mức đóng thấp nhất hiện nay bằng 22% (tức người tham gia phải đóng ít nhất là 154.000 đồng/tháng).

Tuy nhiên, đối với người lao động tự do và lao động ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, đây là số tiền không nhỏ. Thêm vào đó, mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, trình độ, kỹ năng hướng dẫn, tư vấn còn hạn chế, nên chưa thuận tiện cho người lao động tham gia.

Từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng. Cụ thể, mức hỗ trợ sẽ bằng 30% đối với người thuộc diện nghèo; 25% đối với người thuộc diện cận nghèo; 10% đối với các đối tượng còn lại. Với người tham gia BHXH đóng theo phương thức một lần, số tiền hỗ trợ cho những năm còn thiếu được Nhà nước chuyển toàn bộ một lần vào quỹ hưu trí và tử tuất trong cùng một năm. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm.

Hỗ trợ một phần mức đóng

Theo BHXH tỉnh, để mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới, ngành sẽ tích cực đẩy mạnh các giải pháp cụ thể, đồng bộ. Trong đó, công tác tuyên truyền vẫn được xác định là hoạt động trọng tâm với nhiều hình thức da dạng như: Tuyên truyền luật BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đến người dân; phát hành các ấn phẩm tuyên truyền đến tay người lao động; nói chuyện chuyên đề... Các chế độ, chính sách đối với người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được thực hiện tốt và kịp thời hơn nữa để tạo dựng niềm tin cho người dân.

Bên cạnh cơ chế hỗ trợ, để khuyến khích người lao động tham gia, tăng diện bao phủ BHXH toàn dân, các quy định về cơ chế tham gia BHXH tự nguyện khá linh hoạt. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong nhiều phương thức đóng, đó là đóng hàng tháng, đóng 3 tháng một lần, đóng 6 tháng một lần, đóng 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần. Nếu người tham gia thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm, thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Với những giải pháp trên, hy vọng việc thu hút, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Kích cầu” tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO