Krông Nô hướng đến mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch công viên địa chất

Mỹ Hằng| 24/06/2019 10:51

Xác định công tác bảo tồn văn hóa góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, đề ra nhiều giải pháp để gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc.

ADQuảng cáo

Đồng bào bon Ja Ráh, xã Nâm Nung tham gia đón Đoàn chuyên gia UNESCO vào khảo sát thực địa Công viên địa chất Đắk Nông

Trên địa bàn huyện Krông Nô hiện có hơn 20 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống. Qua điều tra cho thấy, do cuộc sống của người dân ngày càng có nhiều thay đổi nên một số nét văn hóa truyền thống như cồng chiêng, lễ hội, dệt thổ cẩm đang có nguy cơ mai một dần và công tác bảo tồn còn gặp nhiều trở ngại.

Trước thực tế đó, ngành văn hóa huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện soạn thảo, ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác bảo tồn văn hóa. Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, nhất là vùng sâu, vùng xa để nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư về giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống.

Hằng năm, ngành văn hóa huyện phối hợp với các ban, ngành tổ chức nhiều hội thi, hội diễn cấp huyện, xã để tôn vinh, bảo tồn, lan tỏa các nét đẹp văn hóa các dân tộc. Qua đó, đồng bào có dịp thể hiện khả năng của mình trong việc dệt thổ cẩm, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc.

Đặc biệt, sau khi Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội hoa văn, cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc tại chỗ” kết thúc, bằng nguồn kinh phí của mình, huyện đã tổ chức được thêm các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em dân tộc thiểu số trên địa bàn. Dưới sự hướng dẫn của những nghệ nhân, đến nay chị em dân tộc Ê đê, M’nông ở nhiều bon, buôn đã thành thạo nghề dệt thổ cẩm, làm được các loại sản phẩm thông thường như áo, váy, khăn choàng, áo gối, túi xách... đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình cũng như cung cấp ra thị trường. Một số sản phẩm làm đẹp, đạt chất lượng tốt được huyện chọn đưa đi trưng bày tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

ADQuảng cáo

Cùng với việc khuyến khích người dân gìn giữ nghề dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu cần, ở các xã như Nâm Nung, Quảng Phú, Đắk D’rô còn thành lập các đội cồng chiêng và múa dân gian để tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội.

Điển hình như xã Nâm Nung đã thành lập được 1 đội cồng chiêng già và 1 đội cồng chiêng trẻ thường xuyên sinh hoạt. Trong các nghi thức, nghi lễ hay bất cứ chương trình gì của xã hay huyện, đội chiêng xã Nâm Nung đều có mặt tham gia đầy đủ. Các thành viên trong đội cồng chiêng già còn truyền dạy cho con cháu cách đánh chiêng, vận động người thân, họ hàng bảo tồn, lưu giữ cồng chiêng như là vốn quý.

Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết: “Văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa rất độc đáo. Vì vậy, ngoài việc nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ, đội ngũ những người làm công tác văn hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc khơi gợi được tình yêu, niềm tự hào dân tộc của đồng bào, nhất là thế hệ trẻ. Có như thế thì mới bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống một cách bền vững”.

Bên cạnh đó, việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được huyện đặc biệt chú trọng. Mỗi khi địa phương chuẩn bị tổ chức lễ hội gì đều cử cán bộ văn hóa có chuyên môn, nghiệp vụ trực tiếp đến tận các bon làng để hỏi xem cách thức tổ chức cho đúng nghi lễ cổ truyền. Hình ảnh về cách thức tổ chức lễ hội, trang phục truyền thống… của đồng bào các dân tộc cũng được ghi lại và lưu giữ bằng văn bản, trưng bày tại Trung tâm văn hóa-thể thao huyện. Không những vậy, một số lễ hội truyền thống của các dân tộc phía Bắc như lễ Cấp sắc của người Dao; Lễ Lồng tồng của người Tày, Nùng; khua luống, hát khặp, nhảy sạp của người Thái cũng được khuyến khích gìn giữ.

Điều đáng nói nữa, sau khi hệ thống hang động núi lửa Krông Nô được phát hiện, xác định được tầm quan trọng của việc gìn giữ văn hóa đối với phát triển du lịch Công viên địa chất, UBND huyện Krông Nô đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hiện nay, huyện đang xây dựng bon Ja Ráh, xã Nâm Nung thành bon kiểu mẫu để phát triển du lịch cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn liền với phát triển du lịch Công viên địa chất là mục tiêu mà huyện hướng đến. Khi danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu được xác lập và ghi nhận thì người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Bởi lẽ, các sản phẩm văn hóa truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, diễn tấu cồng chiêng… sẽ thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước khi tới tham quan Công viên địa chất toàn cầu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô hướng đến mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch công viên địa chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO