Krông Nô nâng cao nhận thức cho đồng bào về tình trạng tảo hôn

Vũ Trang| 12/09/2017 10:03

Với mục tiêu giảm thiểu tình trạng tảo hôn, từ năm 2015, ngành Dân số huyện Krông Nô (Đắk Nông) triển khai thực hiện Đề án “Can thiệp làm giảm tảo hôn và kết hôn cận huyết”. Việc triển khai đề án đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thay đổi nhận thức, hành vi của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về vấn đề hôn nhân, gia đình.

ADQuảng cáo

Để lại nhiều hệ quả

Theo Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Krông Nô, những năm trước đây, tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là những vùng đông đồng bào DTTS sinh sống. Qua tìm hiểu cho thấy, 10/12 xã, thị trấn của huyện đều có tình trạng tảo hôn trong đồng bào DTTS. Năm 2016, khi đã triển khai đề án rồi mà toàn huyện có 427 người DTTS kết hôn thì có 65 trường hợp tảo hôn, tập trung chủ yếu ở các xã: Nâm N’đir, Tân Thành, Nâm Nung và thị trấn Đắk Mâm.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này thì nhiều, nhưng chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS về hôn nhân còn hạn chế, một số hủ tục vẫn còn tồn tại, tâm lý mong có con có cháu sớm... Thậm chí, nhiều gia đình cho con lấy chồng, lấy vợ sớm chỉ vì để có thêm người lao động. Ngoài ra, công tác quản lý, phát hiện, ngăn chặn các trường hợp kết hôn trước tuổi vẫn chưa thực sự được quan tâm, chú trọng.

Thực tế cho thấy, tình trạng tảo hôn đã để lại nhiều hệ quả, ảnh hưởng đến thể chất của các em, nhất là các em gái. Khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên việc lập gia đình, mang thai và sinh con sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ, tinh thần của trẻ vị thành niên. Các bà mẹ tuổi vị thành niên chưa đủ nhận thức và kiến thức nuôi con, khiến đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, dễ mắc bệnh... Đây là một rào cản lớn trong việc nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi tại địa phương.  

Cần có thời gian và sự kiên trì, đồng lòng vào cuộc

ADQuảng cáo

Trước thực tế trên, từ năm 2015, huyện Krông Nô bắt đầu triển khai Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết”. Một trong những hoạt động trọng tâm của đề án là tuyên truyền, giáo dục tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là thanh, thiếu niên DTTS về những vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, hậu quả của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết.

Thông qua những hình thức như truyền thông nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề tại các địa bàn dân cư, gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng, nhận thức, hành vi trong nhân dân và trẻ vị thành niên về DS-KHHGĐ cũng như việc đăng ký kết hôn theo đúng qui định của pháp luật đang có những chuyển biến tích cực.

Đội ngũ cán bộ dân số cũng tích cực bám địa bàn, nắm tình hình, đến từng hộ gia đình, tuyên truyền, vận động đăng ký cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn. Đối với các trường hợp có nguy cơ tảo hôn, đội ngũ này cũng tìm cách tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình và phối hợp với cán bộ thôn, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục, vận động.

Bên cạnh đó, việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho thanh niên, vị thành niên trên địa bàn, thiết lập hệ thống ghi chép, theo dõi một cách chặt chẽ đã được tăng cường. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng chú trọng đến việc hỗ trợ hoạt động tư pháp trong việc quản lý, cung cấp thông tin, tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn, làm giấy kết hôn và giấy khai sinh.

Ông Trần Quýt, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết: “Việc triển khai thực hiện đề án đã giúp địa phương giải quyết một trong những vấn đề khó khăn từ nhiều năm nay. Đồng thời, đây cũng là cơ sở, nền tảng để huyện tiếp tục triển khai các giải pháp trong thời gian tới nhằm thực hiện mục tiêu đẩy lùi hoàn toàn tình trạng tảo hôn, góp phần thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Quýt, việc tuyên truyền, vận động vẫn gặp khá nhiều khó khăn vì đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến những phong tục, tập quán lâu đời của người dân trên địa bàn nên không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều” mà cần phải có thời gian, sự kiên trì và quyết tâm hành động thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và của toàn dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô nâng cao nhận thức cho đồng bào về tình trạng tảo hôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO