Krông Nô thực hiện chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt chưa hiệu quả

Ngọc Dũng| 03/05/2018 10:08

Từ các chương trình, chính sách khác nhau, thời gian qua, huyện Krông Nô đã được hỗ trợ nhiều nguồn vốn để thực hiện cấp nước sinh hoạt phân tán và tập trung cho người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các chương trình cấp nước sinh hoạt chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng.

ADQuảng cáo

Việc cấp bồn chứa nước có ý nghĩa với người dân vùng hay khô hạn ở xã Đắk Nang (Krông Nô) nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu

Hiệu quả thấp từ hỗ trợ dụng cụ chứa nước sinh hoạt

Theo chính sách hỗ trợ của Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các đối tượng như hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bon đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đất và nước sinh hoạt; trong đó, việc hỗ trợ nước sinh hoạt thực hiện theo hai hình thức là tập trung và phân tán.

Hưởng lợi từ Đề án 755, huyện Krông Nô có 1.058 hộ được phê duyệt. Từ nguồn vốn hỗ trợ, địa phương đã triển khai cho 1.055 hộ được thụ hưởng theo hình thức cấp nước phân tán; trong đó, năm 2014, hỗ trợ được 1.055 hộ, năm 2015 được 315 hộ và năm 2016 được 364 hộ.

Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ một bồn nhựa đựng nước có dung tích 500 lít, trị giá 1,2 triệu đồng. Qua khảo sát thực tế của Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây cho thấy, phần lớn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các hộ dân.

Gia đình bà Phạm Thị Thanh Nhàn ở thôn Phú Cường, xã Đức Xuyên hiện vẫn sử dụng bồn nước được cấp, nhưng theo bà Nhàn thì bồn quá nhỏ nên việc cất trữ nước không được nhiều. Điều đáng nói, một số hộ được cấp chưa sử dụng đúng mục đích như gia đình bà Hồ Thị Lựu ở cùng thôn được cấp một bồn đựng nước từ năm 2015 nhưng hiện không sử dụng. Bà Lựu cho biết, do không có chỗ để bồn nên từ khi được cấp đến nay vẫn gửi ở nhà người bà con và gia đình hiện vẫn đang sử dụng nước giếng.

Thực tế khảo sát cho thấy, xã Đức Xuyên và các xã khác của huyện Krông Nô thường xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. Thế nhưng, việc hỗ trợ dụng cụ chứa nước sinh hoạt vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của bà con. Việc cấp bồn còn nhỏ lẻ, địa phương cần nghiên cứu để có hình thức kết hợp với các chương trình, chính sách khác nhằm thực hiện hỗ trợ phù hợp hơn.

ADQuảng cáo

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung kém hiệu quả

Về hỗ trợ cấp nước sinh hoạt tập trung, địa phương chỉ thực hiện duy tu, sửa chữa được 1 công trình cấp nước ở Buôn Choáh với 47 hộ thụ hưởng. Nguồn kinh phí này được chuyển tiếp từ hạng mục khác của Đề án 755.

Ngoài cấp nước sinh hoạt tập trung theo Quyết định 755, hiện tại địa phương có 45 công trình cấp nước tập trung được thực hiện từ các nguồn vốn của Chương trình 132, Chương trình 134, Danida... Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các công trình không phát huy hiệu quả. Trong số 45 công trình chỉ có 13 công trình phát huy hiệu quả, 8 công trình hoạt động kém hiệu quả và có đến 24 công trình ngưng hoạt động.

Điển hình, tại các xã Nam Xuân, Nam Đà có đến 8 công trình, nhưng mỗi xã chỉ còn 1 công trình hoạt động bình thường, 1 công trình hoạt động kém hiệu quả và 2 công trình ngưng hoạt động. Thị trấn Đắk Mâm có 3 công trình nhưng hiện nay không có công trình nào hoạt động. Nguyên nhân các công trình ngưng hoạt động là do các hộ dân không đóng tiền điện, tiền nước. Còn ở xã Đắk D’rô có 4 công trình thì 1 công trình hoạt động kém hiệu quả, 3 công trình ngưng hoạt động được xác định là do thiết kế giếng nước gần kề nhà vệ sinh, nơi chứa nước thải của các hộ dân.

Cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả sử dụng

Theo lãnh đạo huyện Krông Nô, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các công trình hoạt động kém hiệu quả, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức quản lý và vận hành của các hợp tác xã, tổ dùng nước còn hạn chế. Ý thức sử dụng của các hộ được hưởng lợi còn kém. Các cấp chính quyền chưa quan tâm, còn phó mặc công tác quản lý và vận hành cho các hợp tác xã và tổ quản lý sử dụng. Đại đa số các công trình đều hoạt động chủ yếu vào mùa khô. Mùa mưa người dân hầu như sử dụng nước mưa và nước giếng nên các công trình bỏ không, trong khi công tác bảo quản còn bất cập, hạn chế.

Qua khảo sát thực tế, đồng chí Lê Kim Huy, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh khẳng định, tỉnh rất quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc triển khai một số chương trình, hạng mục liên quan đến công tác giảm nghèo ở địa phương còn hạn chế, trong đó có việc thực hiện hạng mục cấp nước sinh hoạt. Vì vậy, địa phương cần rà soát, đánh giá lại một cách sát thực để rút ra bài học kinh nghiệm, khắc phục những thạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Cùng với đó, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về ý nghĩa của chương trình cấp nước sinh hoạt, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý cũng như ý thức trách nhiệm trong quá trình sử dụng. Việc chọn lựa hình thức thực hiện cần phải phù hợp với từng địa bàn, đối tượng mới phát huy được mục đích ban đầu đề ra của việc thực hiện các chính sách nói chung và cấp nước sinh hoạt nói riêng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô thực hiện chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt chưa hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO