Ký ức Ngày 30/4: Vỡ òa trong niềm vui chiến thắng

Hoàng Hoài| 29/04/2017 11:08

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đối với nhiều cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thời khắc lịch sử cách đây 42 năm hầu như vẫn còn vẹn nguyên, với những bồi hồi, cảm xúc khó tả.

ADQuảng cáo

Bước vào chiến dịch với quyết tâm cao

Năm 1968, ông Nguyễn Thế Vinh ở thôn Thuận Lợi, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) lên đường nhập ngũ trong đội hình lính đặc công. Do nhu cầu của chiến trường nên dù chưa huấn luyện xong, nhưng năm 1970, ông đã nhận được lệnh vào Nam chiến đấu. Ông được phân vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 1, Sư đoàn 5.

Ông Nguyễn Thế Vinh (bên trái) chia sẻ với đồng đội về những ngày bị đày ở Phú Quốc

Tháng 10/1972, đơn vị ông đánh ở Cai Lậy (Tiền Giang), lúc này chỉ có 31 người, nhưng bị địch bao vây, nên chỉ còn 2 người sống sót, trong đó có ông. Sau 2 ngày tỉnh dậy, ông thấy mình bị địch bắt, khóa chân tay tại bệnh viện Mỹ Tho, sau đó chuyển vào khám Chí Hòa. Ở đây, ông bị nhốt trong một xà lim chật hẹp mà có tới 12-13 người cả nam và nữ ở chung. Riêng ông, do chân bị thương, ruồi bọ bò lúc nhúc, nên phải dùng nước tiểu của anh chị em tưới lên cho đỡ nhức. 4 tháng sau, tháng 12/1972, ông bị đày ra đảo Phú Quốc.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 20/3/1973, ông Vinh cùng nhiều chiến sĩ  khác được trao trả và trở lại đơn vị cũ. Sau một thời gian chữa bệnh, ông về Đại đội 3, Trung đoàn 1 tiếp tục tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Bước vào chiến dịch, ông thuộc Sư đoàn 5 đánh từ hướng Long An tiến về Sài Gòn. Nhiệm vụ chính là phá lô cốt địch, phá cầu, cắt chi viện, chặn không cho quân địch tiếp tế vào Sài Gòn. Ngày 30/4/1975, đơn vị ông nhận nhiệm vụ đánh thẳng vào quân cảng Sài Gòn và khi đang tiến vào quận 1 thì nghe tin Sài Gòn giải phóng, chúng tôi òa khóc như trẻ con. Nước mắt hạnh phúc, sung sướng tuôn trào.

Nước mắt xen lẫn nụ cười hạnh phúc

Năm 1972, ông Lương Minh Khoát hiện ở thôn Thuận Nghĩa, xã Thuận Hạnh nhập ngũ ở miền Bắc. Khi vào mặt trận Đồng Tháp, ông được bổ sung về đơn vị mới là Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 với chức vụ Tiểu đội trưởng trinh sát. Năm 1974, ông Khoát bị thương khi làm nhiệm vụ phá cầu Bến Lức (Long An). Tháng 2/1975, đơn vị ông phối hợp đánh dọc theo quốc lộ 4 về phía Nam của Sài Gòn.

ADQuảng cáo

Ông Lương Minh Khoát (bên trái) vẫn còn lưu giữ những kỷ vật trong thời chiến

Ông Khoát cho biết: “Đồng bằng sông Cửu Long thuộc về miền sông nước. Bộ đội được bà con dùng xe lam, xe ba gác chở, đánh theo quốc lộ 4 để tiến về Sài Gòn. Trong trận này, đơn vị trinh sát chúng tôi có 14 người thì hy sinh 3 người".

Ngày 30/4/1975, cùng các cánh quân khác, đơn vị ông đã chiếm đóng được quận Thủ Đức của Sài Gòn và làm nhiệm vụ ổn định dân cư, kêu gọi binh lính giao nộp vũ khí…

Ông Khoát nhớ lại: “Khi nghe tin quân ta kéo được cờ giải phóng lên dinh Độc Lập, anh em chúng tôi ôm nhau reo hò vui sướng. Nước mắt xen nụ cười hạnh phúc, những người lính ra đi không hẹn ngày về như chúng tôi cảm thấy thỏa lòng mơ ước khi nước nhà độc lập, miền Nam giải phóng, Bắc Nam chung một nhà”.

Nghẹn ngào cảm xúc khó tả

Ký ức về cuộc chiến đấu giải phóng Sài Gòn vẫn đong đầy đối với ông Trần Việt Bắc ở thôn Thuận Nghĩa, xã Thuận Hạnh. Năm 1970, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Bắc tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu và được phân bổ vào Đại đội 16, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 2, Sư đoàn 4. Đơn vị ông tham gia chiến đấu khắp các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau với nhiệm vụ chính là đánh vào các khu đồn, sân bay của địch…

Những tấm huân chương là kỷ vật còn lưu lại của ông Trần Việt Bắc trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam

Tháng 4/1975, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam, đơn vị ông được phân công đánh vào mặt trận Cần Thơ, giải phóng sân bay Trà Nóc. Ngày 30/4/1975, sau khi đài thông báo Sài Gòn giải phóng, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ông cùng đồng đội ôm nhau reo hò sung sướng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức Ngày 30/4: Vỡ òa trong niềm vui chiến thắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO