Lập phương án đầu tư, phát huy làng nghề truyền thống xã Đắk Nia

Đức Hùng| 16/09/2015 09:18

Trước thực trạng Làng nghề truyền thống tại bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) được đầu tư xây dựng từ năm 2008 đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả, mới đây UBND thị xã Gia Nghĩa đã lập phương án đưa làng nghề truyền thống này vào hoạt động.

ADQuảng cáo

Qua phân tích những thuận lợi, khó khăn, lợi thế của làng nghề hiện nay, thị xã Gia Nghĩa đã lập phương án “Phát triển làng nghề kết hợp với du lịch” theo hướng vừa đầu tư, vừa sử dụng những gì hiện có.

Trong đó, 2 nhà dài với diện tích 650m2 thì 1 nhà dài sẽ được sử dụng để giới thiệu sản phẩm và trưng bày các hiện vật như: Các nhạc cụ truyền thống, công cụ lao động, đồ thủ công mỹ nghệ và bán các sản phẩm do làng nghề sản xuất như: thổ cẩm, rượu cần, đan lát... Nhà dài còn lại dùng để tổ chức các lớp học: Hát dân ca, truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn và là nơi sản xuất các sản phẩm truyền thống.

Để làm được điều này, thị xã sẽ đầu tư, tôn tạo cơ sở hạ tầng làng nghề như: Đường giao thông, vỉa hè, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, bãi đỗ xe, điểm đón khách du lịch, cây xanh, vườn hoa, cây cảnh.

Trước mắt, làng nghề là nơi giới thiệu sản phẩm, phục vụ khách du lịch ăn uống, văn hóa, văn nghệ đặc thù; tổ chức sản xuất và tạo điều kiện cho du khách làm thử một số công đoạn hoặc hoàn thiện sản phẩm. Đơn vị chức năng phối hợp với các công ty lữ hành giới thiệu đưa du khách đến tham quan làng nghề, xây dựng các tour du lịch, kết hợp làng nghề với cảnh quan thiên nhiên.

Cùng với tạo ra các sản phẩm cho khu trưng bày, phương án cũng tính đến việc xây dựng một ngôi nhà truyền thống để bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa cũng như tổ chức các đêm tái hiện nghi lễ tiêu biểu của người bản địa để phục vụ, thu hút khách du lịch.

ADQuảng cáo

Khu nhà chính của làng nghề sẽ xây dựng thành khu trình diễn cho các nghệ nhân, phục vụ nhu cầu du lịch, văn hóa và xúc tiến thương mại. Tại làng nghề sẽ còn tổ chức các tour tham quan thắng cảnh công viên văn hóa Liêng Nung, phục vụ du khách ẩm thực và tìm hiểu nét đặc trưng văn hóa M’nông...

Trước mắt, thị xã sẽ hỗ trợ 336 triệu đồng đầu tư mua sắm sản phẩm trưng bày, tổ chức hoạt động làm ra sản phẩm ngay tại nhà, theo hình thức mỗi nghệ nhân chuyên phụ trách một loại sản phẩm như dệt áo, thổ cẩm, đan gùi, chế tác nhạc cụ, làm rượu cần... Sản phẩm làm ra được trưng bày tại làng nghề và bán cho du khách khi cần. Các đội nghệ nhân cũng được thành lập để chuyên biểu diễn, tái hiện lễ hội truyền thống, diễn tấu cồng chiêng...

Với cách làm này, nghệ nhân sẽ được hưởng lợi khi bán sản phẩm, biểu diễn và có thể chủ động sắp xếp thời gian làm được nhiều việc. Sau khi làng nghề hoạt động hiệu quả, tự chủ được nguồn thu, chi sẽ tự hoạch toán chi trả lương, phụ cấp cho các nghệ nhân và chi phí hoạt động làng nghề.

Được biết, làng nghề truyền thống có diện tích khoảng 10.000m2 bao gồm nhiều hạng mục như: Nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm, nhà xưởng sản xuất, nhà nghỉ chân cho khách, sân khấu ngoài trời, nhà thường trực, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh. Thế nhưng, hiện nay, làng nghề không có người bảo vệ, nhiều hạng mục xuống cấp, nhà vệ sinh không đủ tiêu chuẩn để phục vụ du khách và nghệ nhân. Vì vậy, thị xã Gia Nghĩa có kế hoạch đầu tư khoảng 4 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 để đưa làng nghề vào hoạt động.

Bà Đặng Thị Hồng Liên, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Gia Nghĩa cho biết, việc lập phương án nhằm mục đích đưa làng nghề vào hoạt động, thúc đẩy những hoạt động du lịch, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, nghệ nhân cũng như góp phần giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa đến với người dân và du khách. Thông qua đó, thị xã cũng mong muốn thể hiện trách nhiệm trong việc giúp cho làng nghề phát triển, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập phương án đầu tư, phát huy làng nghề truyền thống xã Đắk Nia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO