“Lời ru buồn” nơi vùng sâu Đắk R’măng

Nguyễn Hiền| 09/09/2019 10:30

Cụm 9, xã Đắk R’măng (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) là nơi người Mông di cư đến ở từ nhiều năm nay, gần như nằm gọn dưới một vùng trũng. Một vẻ yên bình làm ai mới đến cũng cảm thấy thật dễ chịu. Nhưng khi tiếp xúc với bà con, khung cảnh bình yên ấy gần như bị thay thế bởi lời ru buồn của những người phụ nữ đẻ nhiều, đông con...

ADQuảng cáo

Các thiếu nữ cứ 15 tuổi đã lấy chồng, có con

Ai cũng phải đẻ nhiều!

Từ trung tâm xã Đắk Som (Đắk Glong), chúng tôi men theo đường núi, với những đoạn gập ghềnh, sình lầy và cuối cùng qua một con dốc cao dựng đứng mới tới được cụm dân cư 9. Dạo một vòng, chúng tôi rất ngạc nhiên, vì đến nhà nào cũng thấy có vài phụ nữ ngồi “tán” chuyện với nhau. Thế nhưng, rất ít thấy những người đàn ông vì họ bận đi làm đến tối mịt mới về. Những người phụ nữ hầu hết ở nhà vì bận con nhỏ và chuyện sinh đẻ như là một tập quán từ bao đời...

Nhà chị Giàng Thị Di ở ngay đầu xóm. Chị Di năm nay mới 37 tuổi nhưng trông như gần 50. Vì không giỏi tiếng phổ thông và gặp người lạ nên hầu như hỏi câu gì chị Di cũng chỉ cười. Nhưng nỗi buồn thì chị không giấu được trong ánh mắt. Bà con trong cụm đặt cho chị cái biệt danh là người phụ nữ “giàu” con và cháu. “Giàu” là bởi chị Di có đến 9 người con, và chuẩn bị đón đứa cháu thứ 5. Người con lớn nhất của chị Di năm nay tròn 20 tuổi nhưng đã lập gia đình và có đến hai con nhỏ. Trong khi đó, đứa con nhỏ nhất của chị Di năm nay cũng mới gần 2 tuổi, thua đứa con kế đó và hai đứa cháu chỉ 1 tuổi.

Chị Giàng Thị Di có đến 9 con và 4 cháu

Chị Di tâm sự: “Người Mông thì vậy thôi! Ai cũng phải đẻ nhiều mà!”. Ban đầu hỏi đến việc đẻ nhiều, chị còn rụt rè, sau dần chị cởi mở hơn: “Tôi đẻ được 7 đứa thì cảm thấy đuối sức. Đẻ nhiều mệt lắm! Buồn nhất là các con không được đi học đầy đủ. Tôi cũng không muốn đẻ nhiều đâu nhưng không biết làm sao. Bởi vì, chồng lại muốn nhiều con để có người đi làm nữa”.

Đẻ miết nên buồn lắm!

Chị Thào Thị Sơ ở cách nhà chị Di một căn nhà lá cũng đẻ nhiều  con không kém. Nhà chị Sơ gần như chẳng có gì ngoài một cái giường, quần áo lộn xộn và một manh chiếu trải giữa nhà làm nơi ngủ cho mấy đứa con. Chị Sơ năm nay 29 tuổi cũng đã kịp có 5 người con. Con đầu của chị năm nay 8 tuổi và con nhỏ nhất cũng đã được 8 tháng.

Hầu hết phụ nữ ở nhà vì bận đẻ và trông con nhỏ

ADQuảng cáo

Chị Sơ tâm sự: “Từ lúc lấy chồng đến giờ gần như chỉ ở nhà trông con và đẻ. Bây giờ mới có 5 đứa con gái, chồng bảo khi nào đẻ được 2 đứa con trai thì thôi không đẻ nữa. Nhưng không biết mình đẻ được con trai không nữa. Đẻ miết nên người già hết, buồn lắm!”. Đang cười nói thì gương mặt chị Sơ buồn hẳn, đôi mắt đỏ hoe. Chị cố níu giọt nước mắt chực rơi nhưng gần như bất lực và để nó lăn dài trên gò má.

Những người phụ nữ ngồi bên cạnh chị Sơ cũng bỗng trầm hẳn lại với nỗi niềm riêng mà lâu nay cố kìm nén, không ai nói một câu. Tiếng của em gái Lù Thị Chư, 16 tuổi như phá cái trầm lặng: “Nếu lấy chồng em sẽ không đẻ nhiều như mấy chị đâu”. Nhưng tiếng chị Sơ như chặn lại: “Chồng quyết mà, em đâu quyết được!”.

Tiếng cười nói của những người phụ nữ lại vang lên như cố xua đi những nỗi niềm. Chúng tôi cảm giác đó như là cách họ chọn để tạm vơi đi những nỗi niềm, những bất lực. 

Nhiều trẻ trong độ tuổi đến trường không được đi học

Tự đỡ đẻ

Đẻ nhiều vậy nhưng gần như rất hiếm đứa trẻ trong cụm được sinh ra từ cơ sở y tế. Hỏi ra mới giật mình, hầu hết những người mẹ đều là bà đỡ đẻ cho con gái mình. Khi được hỏi, gần như không người phụ nữ nào biết đến tiêm phòng uốn ván hay chích các mũi cần thiết cho trẻ khi mới sinh. Buồn hơn, nhiều chị em không hề biết đến các biện pháp tránh thai.

Anh Giàng Seo Chính, từng là nhân viên y tế thôn từ năm 2011. Nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, anh đành nghỉ việc do không còn chế độ chi trả. Mặc dù làm nhân viên y tế thôn, là người hiểu nhất về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình nhưng vợ chồng anh cũng đẻ tới 7 người con. Trước khi làm y tế thôn, anh có 4 người con cả trai và gái. Thời gian được giao nhiệm vụ vận động bà con thực hiện kế hoạch hóa gia đình, anh đẻ thêm 3 người con nữa. Anh Chính cho biết: “Tôi cũng từng đi vận động bà con đẻ ít để nuôi dạy tốt và giữ gìn sức khỏe cho người phụ nữ. Nhưng mà phong tục bà con cứ thích đẻ nhiều nên cũng khó”.

Bà con cứ đẻ, bọn trẻ con cứ lớn

Theo anh Giàng Seo Sình, người được bầu làm cụm trưởng nhiều năm nay thì cụm 9 có 96 hộ nhưng có đến 526 khẩu. Do giao thông đi lại khó khăn, các dịch vụ y tế, nhất là kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản gần như rất ít được tiếp cận. Nhà nào cũng đẻ nhiều để có con trai, để có người làm rẫy, để có con bằng bạn bằng bè. Bình quân mỗi nhà phải đẻ từ 5-6 con và có khoảng 10 hộ sinh từ 8 -10 con. Nữ thì cứ 15 tuổi và nam thì nhiều hơn là 17-18 tuổi đã lập gia đình.

Nhìn một nhóm trẻ nhỏ hồn nhiên vui đùa, anh Sình đượm buồn tâm sự: “Về lâu dài tôi cũng rất lo lắng, hiện tại đã có gần cả trăm cháu chưa được đến trường, nhiều cháu lớn mù chữ. Không chỉ cụm 9 mà còn 3 cụm dân cư người Mông khác nữa cũng vậy. Bà con cứ đẻ, bọn trẻ con cứ lớn lên hồn nhiên mà không biết tương lai sẽ đi về đâu!”. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lời ru buồn” nơi vùng sâu Đắk R’măng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO