Mỗi người một hành động nhỏ để hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường

Thanh Nga| 21/08/2019 16:15

Thời gian gần đây, cả thế giới cũng như Việt Nam đã kêu gọi mọi người dân hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng những hành động thiết thực ngay trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày để bảo vệ môi trường, tránh thảm họa rác thải nhựa.

ADQuảng cáo

Từ những việc nhỏ

Mới đây, tham dự một hội nghị của Hội LHPN tỉnh tổ chức ở Trung tâm Hội nghị tỉnh, người ta thấy trên các bàn đại biểu, khách mời đều có những ly nước vối, nước lọc thay cho những chai nước lọc chỉ dùng một lần lâu nay thường thấy xuất hiện trong các cuộc họp.

Hội LHPN tỉnh khuyến khích chị em đi chợ sử dụng làn, giỏ được làm bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường

Điều khá thú vị là khi Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đang đọc báo cáo bỗng dừng lại nhấn mạnh: Những ly thủy tinh đựng nước uống mà hôm nay quý vị đại biểu, khách mời có trên bàn là hành động của Hội nhằm hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu sử dụng túi nilon, đồ nhựa sử dụng một lần. Với trách nhiệm của mình, thời gian qua, từ năm 2018 đến nay, các cấp hội phụ nữ đều phát động “Ngày phụ nữ bảo vệ môi trường” bằng nhiều việc làm thiết thực. Đặc biệt, Hội đã vận động chị em sử dụng làn, túi xách, giỏ xách đi chợ, tốt nhất là làn làm bằng tre, cói hoặc các nguyên liệu thân thiện với môi trường để hạn chế sử dụng túi nilon, màng bọc thực phẩm bằng nilon…

Câu chuyện ở cuộc họp nói trên chính là một việc làm ý nghĩa, một thông điệp rõ ràng, cụ thể về bảo vệ môi trường trước rác thải nhựa và nilon. Thực tế, nhiều cá nhân cũng đã tuyên truyền, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường bằng nhiều cách riêng.

Sản phẩm sữa chua của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk sử dụng thìa bằng gỗ để thay thế thìa nhựa trước đây

ADQuảng cáo

Cách đây 3 tháng, con gái của tôi kể, ngay trong những ngày trước khi kết thúc năm học, cô giáo chủ nhiệm vẫn tranh thủ tuyên truyền các em hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa đựng các loại nước uống. Cô giáo giải thích về tác hại của những chất thải nhựa và nhắc nhở học sinh về tuyên truyền lại cho bố, mẹ nếu đi chợ mua đồ ăn sáng nên đưa cặp lồng để đựng, không nên sử dụng túi nilon đựng thức ăn, vừa có hại cho sức khỏe vừa thải ra môi trường khó tiêu hủy.

Hiện nay, các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong cả nước cũng đang giảm dần việc sử dụng sản phẩm nhựa, nilon. Chẳng hạn như sản phẩm sữa chua do Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đã có muỗng bằng gỗ thay vì trước đây làm bằng nhựa. Tại Siêu thị Co.opmart Đắk Nông thay vì sử dụng các túi nilon thì nay đã dùng dây chuối, lá chuối để bọc rau, củ, quả. Mặc dù việc sử dụng dây chuối, lá chuối để đóng gói sản phẩm mất nhiều thời gian hơn nhưng vì bảo vệ môi trường nên siêu thị đã lựa chọn sản phẩm thân thiện này.

Với những người tiêu dùng, khi đến siêu thị mua hàng được gói bằng lá chuối, hay buộc bằng dây từ các loại cây như chuối, tre, nứa… có thể cảm thấy có những bất tiện. Bởi vì, sau khi chọn sản phẩm, người mua phải thêm một bước quay trở lại bàn cân để dán giá rồi mới ra quầy tính tiền. Bất tiện một tý nhưng với nhiều người khi thấy từng sản phẩm được buộc, đóng gói bằng lá chuối, ai cũng vui vẻ chấp nhận, vì đó là cách góp phần bảo vệ môi trường.

Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, con người trên khắp hành tinh thải ra môi trường một khối lượng nhựa đủ để cuốn quanh Trái đất 4 lần khi có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới và được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Tuy nhiên, loại chất thải nhựa lại có đặc tính khó phân hủy. Một chiếc túi nilon chỉ mất 5 giây để sản xuất và cần 1 giây để vứt bỏ nhưng để phân hủy phải cần từ 500 -1.000 năm.

Cần 1.000 năm để phân hủy

Ống hút, thìa, cốc, bát, đĩa, hộp xốp, chai nước, túi ni lông làm từ nhựa... lâu nay là những vật dụng được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày. Thế nhưng, rác thải nhựa đã trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng, gây ô nhiễm môi trường đất và nước. Khi đốt, rác thải nhựa sẽ tạo ra khí thải có chất độc ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường không khí và sức khỏe con người.

Mỗi người một hành động nhỏ góp lại thành một việc có ý nghĩa lớn để hạn chế rác thải nhựa bảo vệ môi trường. Vì vậy, bằng nhiều cách, mỗi chúng ta hãy chung tay góp phần bảo vệ môi trường bằng việc hạn chế sử dụng các sản phẩm làm từ nilon, nhựa. Hy vọng trong thời gian tới, các nhà sản xuất, doanh nghiệp sẽ dần có các giải pháp đóng gói thay thế các sản phẩm nilon, nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỗi người một hành động nhỏ để hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO